Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Nhật Bản làm gì khi "cơn khát" năng lượng đến gần?

Tác giả: Châu Giang (dịch)

Nhật Bản đã thông qua một kế hoạch cử 200 kỹ sư thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) tới Nam Sudan từ tháng 1/2012, tiếp đó sẽ bổ sung thêm 300 người, để tham gia sứ mệnh của Liên hợp quốc xây dựng quốc gia non trẻ nhất thế giới này. Đứng trước nguy cơ khát năng lượng sau sự cố hạt nhân Fukushima, Tokyo cũng hy vọng kế hoạch trên sẽ giúp đảm bảo một chỗ đứng vững chắc của Nhật Bản trong ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia mới nhất châu Phi - nơi hiện đang bị Trung Quốc chế ngự.

Theo kế hoạch trên, các kỹ sư Nhật Bản sẽ giúp xây dựng đường sá, cầu cống ở trong và xung quanh thủ đô Juba của Nam Sudan. Việc huy động nhóm kỹ sư trên là sự tiếp nối các nỗ lực của Tokyo nhằm mở rộng các sứ mệnh quân sự của mình ở nước ngoài, bên cạnh cứu hộ thiên tai, chống hải tặc và các sáng kiến nhân đạo. Động thái ở Nam Sudan cũng có thể là một dấu hiệu cho một nỗ lực mới nhằm dần đưa các chiến dịch của JSDF vào các sáng kiến chính sách đối ngoại chiến lược - mà trong trường hợp này là an ninh năng lượng. Nếu Nhật Bản đảm bảo được một chỗ đứng vững chắc hơn tại Nam Sudan, nước này sẽ có lợi thế hơn trong việc đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp Sudan và Nam Sudan đang hỗn loạn hiện nay.

Sự mở rộng hoạt động của JSDF ở nước ngoài

Quyết định của Nhật Bản huy động một nhóm kỹ sư tại Nam Sudan đã được thảo luận nhiều tháng liền và diễn ra trong bối cảnh sự ủng hộ trong nước dành cho JSDF ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, chủ yếu nhờ vai trò của quân đội trong các chiến dịch cứu hộ sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima. Nhật Bản đã cử hai sỹ quan hậu cần của JSDF thay phiên nhau tới Sudan vào năm 2008, trong một sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ và đã nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục can dự một cách hạn chế.

Bất chấp điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản quy định hạn chế lực lượng chiến đấu, các sứ mệnh của JSDF đã bắt đầu ngày càng đa phương hóa và mở rộng, và JSDF đã được định hình thành một lực lượng quân đội có vẻ "bình thường". Các sáng kiến lớn bao gồm một căn cứ không quân của Nhật Bản tại Djibouti nhằm hỗ trợ các nỗ lực chống hải tặc trên Vịnh Aden, tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến của Mỹ và đồng minh tại Ấn Độ Dương, huy động lực lượng không tham chiến tại Iraq, hợp tác tăng cường với các quốc gia Đông Nam Á và tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ tại Đông Timor.
Tranh giành chỗ đứng trong ngành công nghiệp dầu mỏ Nam Sudan

Với một lực lượng quân đội được bình thường hóa, Nhật Bản sẽ tăng cường sử dụng JSDF để củng cố vị thế của mình ở nước ngoài. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các lợi ích kinh doanh của Nhật Bản ở Nam Sudan, và trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch năng lượng của Nhật Bản vì nước này ngày càng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu sau thảm họa hạt nhân Fukushima và cần phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình (87% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản trong tháng 9 đến từ Trung Đông). Việc huy động các kỹ sư là một bước đi quan trọng của Tokyo nhằm cải thiện quan hệ song phương với Juba, và sẽ cho phép Nhật Bản dễ cạnh tranh hơn với các công ty của Trung Quốc và Ấn Độ để tiếp cận lĩnh vực dầu mỏ đang được tái thiết ở Nam Sudan.

Vài năm trước khi Nam Sudan độc lập, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước mua nhiều dầu mỏ nhất của Sudan. Năm 2006, Nhật Bản mua 124.000 thùng dầu/ngày của Sudan, trong khi Trung Quốc mua 99.000 thùng/ngày. Đến năm 2010, Trung Quốc đã tăng con số này lên 250.000 thùng/ngày, chiếm 65% lượng dầu xuất khẩu của Sudan, trước Indonesia (60.000 thùng/ngày) và Nhật Bản (50.000 thùng/ngày). Mức tăng này đã biến Sudan thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc vào năm 2010, và có thể góp phần gia tăng sự can dự của Trung Quốc vào quốc gia châu Phi này, bằng chứng là sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc dành cho chính quyền của Tổng thống Sudan Omar al Bashir trước các chỉ trích của quốc tế.

 

Cơ hội ở Nam Sudan Tuy nhiên, việc Nam Sudan tách ra độc lập vào ngày 9/7 vừa qua đã đặt 3/4 trữ lượng dầu mỏ ở Sudan thuộc về lãnh thổ của Nam Sudan. Dù dầu không ngừng chảy, nhưng nguồn cung dầu trở nên bấp bênh hơn. Khartoum và Juba bế tắc trong đàm phán về chia sẻ thu nhập từ dầu và phí vận chuyển. Các đường ống dẫn dầu do Trung Quốc xây dựng dẫn trực tiếp dầu thô của Nam Sudan tới các nhà máy lọc dầu ở miền Bắc, rồi tới cảng Sudan (nằm ở bờ biển của Sudan), nơi duy nhất có thể xuất khẩu dầu ra nước ngoài. Và tình trạng bạo lực giữa các nhóm phiến quân hai miền gần các khu vực sản xuất dầu chính tiếp tục khiến các chính phủ và nhà đầu tư trong các khu vực này lo ngại.
Sự độc lập của Juba đặt Tokyo vào một thế đặc biệt bấp bênh khi dựa vào nguồn dầu nhập khẩu từ Sudan. Bắc Kinh đã sử dụng quan hệ lịch sử với Khartoum và cam kết mới đây với Juba để thương lượng tốt hơn giữa hai quốc gia này và đảm bảo nguồn cung dầu của mình không bị gián đoạn. Nhưng trong khi Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Dầu mỏ và Hóa chất Trung Quốc (CPCC) sản xuất dầu dựa trên một hợp đồng chuyển nhượng và 50% vốn cũ của Công ty Lọc dầu Khartoum, Nhật Bản lại không có hợp đồng chuyển nhượng nào của riêng mình, và như vậy chỉ có thể mua dầu thô từ các nhà sản xuất.
Để đảm bảo các lợi ích của mình, Nhật Bản đã củng cố quan hệ song phương với Nam Sudan thông qua các nỗ lực nhân đạo, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tài nguyên. Tháng Chín vừa qua, Nhật Bản đã tài trợ xây một cây cầu trị giá 90 triệu USD bắc qua sông Nile tại Juba, và các kỹ sư của Nhật Bản sắp được huy động tới đây sẽ khởi công một dự án tương tự trong và xung quanh thành phố này. Một dự án quan trọng mà qua đó Nhật Bản sẽ đảm bảo lợi ích của mình sẽ là dự án đường ống dẫn dầu tiềm năng, một phần của Hành lang Vận tải từ cảng Lamu qua Nam Sudan tới Ethiopia, mà Kenya đã có ý định đầu tư trở lại. Đoạn ống từ Juba tới Lamu có tiềm năng nhất, không chỉ đối với sự sống còn của kinh tế Nam Sudan mà còn đối với nguồn cung dầu bền vững cho Nhật Bản. Tháng 3/2010, Tập đoàn Toyta Tsusho của Nhật Bản đã đề xuất phát triển một đường ống dẫn dầu trị giá 1,5 tỷ USD nối Juba tới Ấn Độ Dương qua cảng Luma, nhằm vận chuyển 450.000 thùng dầu/ngày, và hoạt động trong 20 năm. Các công ty của Trung Quốc cũng đã đề xuất những dự án đầu tư tương tự cho đường ông Juba-Lamu. Bất chấp một quá trình đấu thầu cạnh tranh gay gắt, các cuộc thương thảo giữa các chính phủ và thời gian hoàn thành dự kiến trong 7 năm đã đặt ra nhiều hạn chế cho ý tưởng này; đoạn hành lang chung chuyển này sẽ không phải là một phương thuốc bách bệnh đối với Nam Sudan và Nhật Bản trong tương lai gần.
Lợi ích của Nhật Bản trong việc cử các kỹ sư tới Nam Sudan không chỉ giới hạn trong chính sách của Tokyo nhằm mở rộng các mục tiêu sứ mệnh của JSDF, mà còn là một bước để tăng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại Sudan. Bản chất quan trọng của nhu cầu năng lượng hiện nay của Nhật Bản khiến cho an ninh nguồn cung năng lượng và các lợi ích liên quan trở nên đặc biệt quan trọng, trong khi đó nền độc lập của Nam Sudan và các thay đổi có thể có đối với ngành công nghiệp vận tải dầu của họ mở ra một cơ hội để Nhật Bản tạo dựng một chỗ đứng vững chắc hơn trong ngành công nghiệp vốn bị Trung Quốc chế ngự này. Trong khi Trung Quốc sẽ vẫn là nước mua nhiều dầu nhất của Sudan, Nhật Bản sẽ cần khẳng định mình để có một tiếng nói trong các cuộc thương lượng về vận chuyển dầu, thuế xuyên biên giới và các giải pháp thay thế có thể cho các tuyến đường xuất khẩu ở miền Bắc mà Trung Quốc đang quản lý./.

Châu Giang dịch theo stratfor
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/