Châu Giang dịch theo FP
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã trở lại châu Á cho cuộc cạnh tranh của thế kỷ mới. Nhưng, nếu Mỹ thực sự muốn chiến thắng, họ sẽ cần Mỹ Latinh.
Dù chính quyền Mỹ đang tập trung vào châu Á và Tổng thống Barack Obama đang công du Australia và Indonesia sau hội nghị APEC ở Hawaii, nhưng hãy nhớ rằng chuyến công du quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông không phải ở phía Đông mà về phía Nam.
Hồi tháng Ba vừa qua, giữa lúc Nhật Bản phải hứng chịu động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân, còn Libya chứng kiến bạo lực leo thang, ông Obama đã tiến hành một chuyến công du quốc tế mà truyền thông phương Tây hầu như đã bỏ qua. Điểm đến của chuyến đi là Brazil, Chile và El Salvador. Chuyến đi này đã từng bị kêu gọi hoãn lại, nhưng các hình ảnh và bài báo đã cho thấy ông Obama vẫn "Nam tiến" cùng các cố vấn quân sự của mình trong khi cập nhật thông tin về cả hai cuộc khủng hoảng ở phương Đông.
Tất nhiên, không thể thay đổi thời gian đã định cho hành trình này, nhất là khi nó rơi đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố "Liên minh vì sự tiến bộ", từng mang lại sự tăng trưởng công nghiệp cho cả khu vực kéo dài từ Mexico tới Argentina. Vì vậy, hành trình của ông Obama có một mục đích chiến lược lớn mà các lãnh đạo ở Washington bị ám ảnh bởi Trung Đông và Trung Quốc đã không nghĩ tới. Bằng việc "lập các đồng minh mới xuyên châu Mỹ", ông Obama đã ngầm thừa nhận thực tế địa chính trị mới, theo đó Mỹ Latinh chính là trụ cột thứ ba của phương Tây, bên cạnh châu Âu và Bắc Mỹ.
Mỹ chắc chắn không thể coi sự trung thành của Mỹ Latinh là điều hiển nhiên. Bây giờ là thời kỳ của đa liên kết, với việc các cường quốc có mặt ở mọi nơi. Nam Mỹ đã trải thảm đỏ cho cường quốc châu Á mới khi Brasilia và Bắc Kinh tuyên bố quan hệ đối tác nhiều năm trước, và nhiều công ty xuất khẩu của Nam Mỹ, như từ Chile và Argentina, phát triển được là nhờ thói "háu" nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc.
Thực vậy, mục đích đầu tiên của địa chính trị là tiếp cận với nguồn tài nguyên, trong khi Nam Mỹ có một nguồn cung dồi dào. Khoảng 30% tiềm năng sinh thái của thế giới nằm ở Nam Mỹ. Nghe có vẻ sáo rỗng khi nói rằng rừng nhiệt đới Amazone là lá phổi của thế giới, nhưng đó là sự thật. Lục địa này cũng là bữa sáng của thế giới. Hầu hết nguồn cung toàn cầu về chuối, đường, cam, cà phê, đậu nành và cá hồi, cũng như một phần lớn thịt bò và thịt lợn, đều đến từ Nam Mỹ. Khu vực này cũng có nhiều khoáng sản như đồng, bạc, chì, thiếc, kẽm, sắt và lithium.
Hơn cả, Mỹ Latinh đặc biệt quan trọng đối với mọi chiến lược tự cung tự cấp năng lượng của châu Mỹ. Tương lai năng lượng của Bắc Mỹ đã rất tươi sáng với trữ lượng dầu và khí đốt dưới đáy biển ở Bắc Cực, lượng dầu cát khổng lồ ở Canada, các giếng dầu ở Vịnh Mexico, và các mỏ khí đốt mới phát hiện ở Mỹ. Thêm vào đó các phát hiện lớn về dầu mỏ ở ngoài khơi bờ biển Brazil, cộng với trữ lượng dồi dào của Venezuela, bạn đã có một giải pháp toàn diện để độc lập hoàn toàn về năng lượng, tránh bị ảnh hưởng của những rối loạn ở Á - Âu và châu Phi. Cũng có một yếu tố bền vững ở đây. Ethanol từ cây mía của Brazil hiệu quả gấp bốn lần sản xuất ethanol từ ngũ cốc ở Bắc Mỹ.
Theo chuyên gia năng lượng Daniel Yergin, trục năng lượng mới của Tây Bán Cầu chạy từ Alberta, Canada - nơi cung cấp 1% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ mỗi năm - qua Texas và Vịnh Mexico xuống Venezuela, Guiana (Pháp) và Brazil. Chính sách năng lượng của Mỹ sẽ ngày càng mang tính Tây Bán Cầu - giống như chính sách năng lượng của Trung Quốc ngày càng mang tính Trung Đông. Trong bối cảnh này, đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Alberta đến Texas có thể bị trì hoãn (như vừa qua) nhưng vẫn là không thể thiếu.
Xây dựng một nền kinh tế bán cầu mới rất quan trọng để có được không chỉ sự độc lập về năng lượng mà cả tính cạnh tranh về công nghiệp. 900 triệu dân của Mỹ Latinh (chiếm khoảng 12% dân số thế giới) tạo ra một nền kinh tế 6.000 tỷ USD - tương đương với quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ Latinh trẻ hơn và đô thị hóa cao hơn châu Á, biến đây thành một đối tác rất hữu ích của Mỹ. Bên cạnh đó, cũng như Mỹ, các nền kinh tế Mỹ Latinh hiện đang cảm thấy mối đe dọa kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc đã bán với giá thấp mọi thứ, từ quần áo đến điện thoại, vào khu vực này, đe dọa 90% hàng hóa xuất khẩu của các nước Mỹ Latinh (chiếm 40% tổng hàng xuất khẩu của khu vực) và phá hoại hoạt động thương mại. Gần một nửa hàng xuất khẩu của Brazil được đưa vào các thị trường ở các nước Mỹ Latinh khác, và 2/3 thị trường này (trong mọi loại hàng hóa từ giày dép đến xe hơi) đang gặp nguy cơ từ cuộc cạnh tranh của Trung Quốc.
Thay vì sử dụng linh kiện, phụ tùng sản xuất từ châu Á và thúc đẩy sự nổi lên của các đối thủ cạnh tranh kinh tế, các công ty Mỹ sẽ nhìn về gần nhà mình hơn, thành lập các công ty liên doanh trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất trong khu vực. Trong chừng mực nào đó, điều này đã xảy ra nhưng các cơ hội đã không được nắm bắt. Khi lương công nhân ở Trung Quốc tăng lên, nhiều công ty Mỹ đã phải chuyển sang Mexico, nơi gần về địa lý và có tỷ giá hối đoái mềm dẻo hơn, và một quan hệ chính trị gần gũi hơn. Tất cả điều này có nghĩa là giảm nguy cơ, từ đó gia tăng lợi nhuận. Thậm chí ngành công nghiệp IT 100 tỷ USD cũng có thể chuyển từ Ấn Độ về khu vực có cùng múi giờ với Mỹ. Về lâu dài, một chính sách công nghiệp Tây Bán Cầu như vậy là cách duy nhất để châu Mỹ giữ được thế cạnh tranh với một châu Á đã đuổi kịp về cơ bắp và sắp bắt kịp về trí não.
Trước những lo ngại sức cạnh tranh lớn dần của Trung Quốc và khả năng các công ty đa quốc gia tỏ ra thực dụng hơn trong nhu cầu đầu tư và công nghệ nước ngoài, giờ là lúc để thúc đẩy mục tiêu về một thỏa thuận bán cầu. Hiện nay, các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) của Mỹ với Colombia và Panama đang được cân nhắc, nhưng thêm nhiều FTA trong khu vực này có thể đồng nghĩa với việc xuất khẩu nhiều hơn và tạo nhiều việc làm hơn cho nền kinh tế đang chật vật của Mỹ. Nhưng đây là lý do tại sao chưa thắt chặt quan hệ này: thuế thép ở Brazil và sự bấp bênh trong FTA với Colombia. Gia tăng việc làm và tăng trưởng kinh tế ở các "nước cộng hòa chuối" xưa kia ở Trung Mỹ sẽ có lợi cho Mỹ không chỉ thông qua việc giảm người nhập cư trái phép mà còn mang lại lợi nhuận bằng đôla thực: hầu hết các nước này xuất khẩu hàng hóa qua bang Florida, sử dụng các cảng biển và đường hàng không của Mỹ.
Xem Mỹ Latinh như một đòn bẩy chiến lược lớn, chứ không chỉ là mục tiêu vận động chính trị tại quốc hội, chính là thách thức cơ bản của Tổng thống Obama. Ông có thể liên kết với Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim, người vừa tuyên bố "Hội nhập là một việc cần làm ngay vì trong một thế giới của nhiều khối lớn, chúng ta sẽ mạnh hơn nếu liên kết lại với nhau".
Các chuyên gia phân tích gần đây đua nhau tuyên bố trọng tâm của thế giới đang chuyển về phía Đông. Nhưng không hẳn thế. Đưa Nam Mỹ trở lại đúng vị trí của nó - trụ cột thứ ba của phương Tây bên cạnh châu Âu và Bắc Mỹ - có thể là ý định địa chiến lược mang tính quyết định nhất hiện nay. Trong các thập kỷ tới, Mỹ có thể cần trực tiếp thể hiện sức mạnh ở phía Đông, nhưng nguồn của sức mạnh đó sẽ ngày càng ở phía Nam. Một số người cho rằng tương lai cuộc cạnh tranh sẽ đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương - họ có thể đúng - nhưng nếu Mỹ có thể tạo ra được một nền kinh tế bán cầu mới với Mỹ Latinh, thì phương Đông sẽ còn dài mới đuổi kịp phương Tây./.
Tác giả: Parag Khanna là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ châu Mỹ Mới.