Trong văn học, người ta hay nói đến chuyện “cái tâm” của người cầm bút với hai đặc điểm nổi bật: thành thực và khiêm tốn.
Tôi không phủ nhận cả sự thành thực lẫn sự khiêm tốn đều là những đức tính quý và hiếm của con người, trong cuộc đời. Tuy nhiên, những gì quý trong cuộc đời không hẳn đã quý trong văn chương. Trong văn chương, nhất là trong quá trình sáng tạo (chứ không phải quá trình tích luỹ, chuẩn bị hay công bố tác phẩm), khiêm tốn có khi là một tính xấu: nó chỉ làm cho người cầm bút e dè, không dám đi đến tận cùng sự sáng tạo, chỉ len lét đi sau các bậc đàn anh, nương mãi dưới bóng những cây cổ thụ trên "văn đàn". Tôi thích Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu hay Hàn Mặc Tử thời 1932-45 cũng như, phần nào, Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền thời Sáng Tạo vào giữa thập niên 1950 và một số người khác, sau này, ở chỗ họ biết kiêu ngạo một cách sang trọng.
Tôi thêm mấy chữ "một cách sang trọng" sau từ "kiêu ngạo" là vì trên thực tế có rất nhiều người kiêu ngạo mà không sang trọng: họ làm ra vẻ kiêu ngạo mà lại lấm lét dòm quanh, chờ đợi sự hưởng ứng của người khác hay vừa bẽn lẽn với chính mình như đang làm một điều gì không phải. Mà không phải thật. Họ tự biết sự kiêu ngạo của họ chỉ là một sự giả vờ. Tự thâm tâm, họ không đủ tự tin để kiêu ngạo như thế. Họ làm ồn ào, khoa trương như một đứa bé khóc nhè để được bố mẹ chú ý tới mà thôi. Trong khi đó, cái tôi gọi là "sự kiêu ngạo sang trọng" trước hết là một sự khinh thường tập thể và truyền thống để dám đi một mình vào con đường riêng của mình. Họ sang trọng chủ yếu là vì họ dám đi một mình, dám đứng một mình, dám một mình thách thức với tất cả mọi thứ thẩm quyền hiện có, mọi thứ thói quen tưởng muôn đời cứ thế tồn tại mãi.
Về sự thành thực, cũng thế. Cũng rất đáng ngờ. Trước hết, nên để ý là không ai đặt ra vấn đề này với những người hoạt động trong các ngành nghệ thuật khác, như âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh hay điện ảnh, chẳng hạn. Người ta chỉ đặt vấn đề thành thực hay không thành thực với giới cầm bút. Nhưng làm sao có thể nói được là Đặng Trần Côn thành thực khi miêu tả tâm sự của một người chinh phụ hay Nguyễn Gia Thiều thành thực khi miêu tả tâm trạng của người cung nữ? Rồi làm sao có thể nói được là Nguyễn Du thành thực khi miêu tả tâm lý của Thuý Kiều khi bán mình hay khi ở lầu xanh? Có thể nói được là Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính thành thực khi làm những bài thơ tình rất mực tha thiết, làm rung động tâm hồn cả hàng triệu người, trong khi phần lớn các mối tình của họ đều là những chuyện tình tưởng tượng? Chúng ta biết tính chất "như thực" hay việc làm cho người đọc tin là thực không hẳn đã là một tiêu chuẩn chính để đo lường giá trị một tác phẩm văn học, tuy nhiên, ngay cả khi chấp nhận điều đó, như những người theo quan điểm hiện thực chủ nghĩa đã làm, trong những trường hợp vừa kể, chúng ta chỉ có thể khen là các nhà thơ ấy nhập vai giỏi, thế thôi. Tác giả nhập vai giỏi sẽ làm cho người đọc có cảm giác là thành thực; ngược lại, cảm giác thiếu thành thực, thiếu trung thực chỉ nảy sinh khi tác giả "đóng" chưa đạt, chưa đủ tài năng để thuyết phục người đọc. Bởi vậy, căn bản là cái tài. Nhớ hai câu thơ của Nguyễn Du:
Tưởng rằng nói thế mà chơi
Song le lại động lòng người lắm thay.
Song le lại động lòng người lắm thay.
Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, một sự giả vờ tài hoa có giá trị hơn hẳn một sự thành thực vụng về.
Lý do thứ hai khiến tôi nghi ngờ chủ trương đề cao cái "tâm", sự thành thực, chân thực hay trung thực của người viết, là vì nó làm lệch hướng cách nhìn của chúng ta:
Với tư cách độc giả, thay vì chỉ nhìn vào tác phẩm, chỉ đọc tác phẩm, với quan niệm "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", chúng ta lại nhìn lom lom vào tác giả, đối chiếu cuộc đời và tác phẩm của hắn để hy vọng lần ra dấu vết của những sự dối trá, một cách đọc có khả năng biến chúng ta trở thành công an thay vì là tri âm, như cái điều vẫn thường xảy ra dưới những chế độ độc tài.
Với tư cách tác giả, việc đề cao cái tâm, trên thực tế, thường là một cái cớ để người ta tránh né một trách nhiệm chính yếu và lớn lao hơn: viết cho hay. Nếu nhìn lại văn học Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, đặc biệt gần đây, khi công việc ấn loát trở thành dễ dàng khiến ai cũng có thể xuất bản tác phẩm của mình dưới hình thức này hoặc hình thức khác, chúng ta có thể thấy ngay, những kẻ hay xả rác và ỉa bậy trên sách báo nhất, những kẻ làm ô nhiễm không khí thẩm mỹ và đạo đức của thời đại nhiều nhất thường là những con người... đầy thiện chí và đầy tinh thần trách nhiệm, những công dân tốt. Tốt, nhưng bất tài.
Một lý do nữa là, khác với niềm tin ngây thơ của nhà thơ lãng mạn Pháp, Alfred de Musset, thiên tài ở ngay trong trái tim (Ah! frappe-toi le coeur, c'est là qu'est le génie), trên thực tế, đi đến tận cùng sự thành thực, ở sâu thẳm dưới đáy cái "tâm" của mình, nhiều khi chúng ta chỉ bắt gặp một thứ đồ giả, một bản photocopy nhoè nhoẹt của những tác phẩm văn học chúng ta từng đọc, từng học và từng say mê từ thuở còn là học trò trung hay tiểu học, trong đó không ít những tác phẩm vớ vẩn, nhảm nhí hoặc hoàn toàn lỗi thời. Sẽ không cường điệu chút nào nếu chúng ta nói rằng hầu như tất cả những nhà văn và nhà thơ bất tài đều... thành thực; tất cả những tác phẩm kém cỏi đều được viết ra một cách thành thực. Sự thành thực của một thứ phó bản. Của một giống vật nhai lại.
Đức tính lớn nhất đối với một người cầm bút, do đó, không phải là thành thực hay khiêm tốn mà, theo tôi, chính là sự táo bạo.
Không táo bạo, không thể sáng tạo. Trong những lãnh vực khác thì tôi không biết nhưng riêng trong lãnh vực văn học, không có sự táo bạo nào là không cần thiết. Trong lãnh vực văn học, người dám xông thẳng vào bụi rậm và gai góc để lần mò một lối đi riêng bao giờ cũng có triển vọng đi xa hơn những kẻ khôn ngoan phóng mình theo những lối mòn có sẵn. Trong lãnh vực văn học, xa lộ là tử lộ. Ở đây người ta chỉ ghi nhận thành tích của những người trèo lên những đỉnh núi cao, dẫu trèo một cách ì ạch, khổ sở, chậm chạp, thậm chí, có khi thất bại. Không ai ghi nhận thành tích của những người ngày ngày hai buổi cùng muôn triệu người khác phóng xe trên xa lộ trừ phi họ gặp tai nạn.
Tiếc thay, rất nhiều người cầm bút Việt Nam nổi tiếng... oan chỉ vì những tai nạn họ gánh chịu chứ không phải vì những tài hoa mà họ có.