Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

F-35 giao tranh với Т-50 trên bầu trời Ấn Độ

VietnamDefence - Mời chào F-35, Mỹ hy vọng Ấn Độ ngừng tham gia dự án tiêm kích thế hệ 5 của Nga.
T-50 đang bị F-35 uy hiếp nặng nề
Mỹ sẵn sàng chào bán cho Ấn Độ máy bay chiến đấu thế hệ 5 tối tân nhất F-35 Lightning II, hiện mới đang được thử nghiệm theo chương trình “Tiêm kích tiến công liên quân” JSF. Trong báo cáo trình Quốc hội Mỹ của Lầu Năm góc về vấn đề này có viết: “Trong trường hợp Ấn Độ tỏ ra quan tâm tới JSF, Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin về JSF, các tính năng kỹ-chiến thuật (cấu tạo, độ an toàn) và các thông tin khác của nó để ủng hộ Ấn Độ trong các dự định của họ”. Trên thực tế, người thua thiệt chủ yếu trong vụ này có thể là nước Nga. Mong muốn ủng hộ, giúp đỡ ai đó thật là cao thượng từ phía người Mỹ, nhưng phẩm chất đó hoàn toàn không đặc trưng cho người Mỹ trong một lĩnh vực tế nhị và béo bở như buôn bán vũ khí. Hiển nhiên là từ phía họ, tất cả đều rất có lý, nhưng trong gốc rễ của sáng kiến của Washington là chủ nghĩa thực dụng trần trụi. Nó nằm ở đâu?
F-35 Lightning II
Trước hết, đang diễn ra cuộc tranh giành khốc liệt vì thị trường vũ khí Ấn Độ. Đối tác ưu tiên trước đây của Ấn Độ là Nga, nước cho đến gần đây gần như là độc quyền ở Ấn Độ, nay đang bị chèn ép từ mọi phía. Và trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, người Mỹ đóng vai trò không hề nhỏ. Hơn nữa, mấy ngày trước, New Delhi lại tuyên bố tăng gần gấp đôi giá trị hợp đồng trong khuôn khổ của cuộc thầu bắt đầu hôm thứ sáu để mua 126 tiêm kích cho Không quân Ấn Độ. Trước đây, Ấn Độ đã sẵn sàng chi 11 tỷ USD để đổi mới lực lượng máy bay thì nay đã là 20 tỷ USD. Sự hào phóng bất ngờ này giải thích thật đơn giản. Những tính toán đầu tiên phía Ấn Độ tính theo thời giá 2007. Nhưng lạm phát không chỉ làm khổ Nga mà còn là vấn nạn của nhiều nước khác. Muốn hay không muốn thì New Delhi cũng phải mở rộng hầu bao hơn.
Dù vụ này nay kết thúc thế nào thì rõ ràng là Nga chỉ có toàn chuyện khó chịu với cuộc thầu này. Moskva cũng từng cố tranh giành thằng lợi trong cuộc thầu béo bở này, những đánh giá sơ bộ đã được bắt đầu từ 4 năm trước. Hồi đó, ở giai đoạn 1, có 6 nước nộp đơn dự thầu, trong đó có Nga và Mỹ. Về phía Nga, tiêm kích đa năng MiG-35 (hiện đại hóa sâu MiG-29) tự tin sẽ giành thắng lợi, còn về phía Mỹ là F-16 Fighting Falcon và F-18 Super Hornet.


Trong suốt những năm đó, Moskva đã tỏ ra hoàn toàn tự tin MiG-35 là máy bay được ưu ái vô điều kiện trong cuộc đấu giành hợp đồng béo bở nhiều tỷ đô la. Theo các chuyên gia, máy bay này thực tế xem ra rất mạnh.
Theo ông Nikolai Buntin, Giám đốc chương trình MiG-35, công trình sư trưởng của Trung tâm kỹ thuật “OKB mang tên A.I. Mikoyan”, “máy bay thế hệ 4++ này được thiết kế cho những khách hàng yêu cầu cao như Không quân Nga và Ấn Độ. Khi bắt tay phát triển MiG-35, chúng tôi xuất phát từ yêu cầu cơ bản: nó phải vượt trội về phẩm chất chiến đấu và khai thác so với các tiêm kích thế hệ 4 và đối phó thành công trong các cuộc không chiến các máy bay thế hệ 5”.
Nhìn chung, nhiều người có cảm tưởng là Ấn Độ sẽ chọn tiêm kích Nga. Nhưng tháng 4.2011, MiG-35 đã thua trắng. Người Mỹ cũng không thắng. Các ứng viên chính giành hợp đồng lợi lộc đến thế chỉ còn tiêm kích đa năng thế hệ 4 Dassault Rafale của Pháp và tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoon.
Tuy nhiên, nếu như Nga đành chấp nhận với việc mất toi hàng chục tỷ đô la của Ấn Độ thì Mỹ lại quyết chiến đấu đến cùng. Họ lại đưa lên bàn thêm một con bài nữa là tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II. Và nay họ đang chờ câu trả lời mới.
Dường như này Nga chỉ còn mỗi việc phùng mang trợn mà tức giận với cuộc thầu đó? Trên thực tế, sáng kiến mới nhất của Mỹ tiềm ẩn những chuyện khó chịu nghiêm trọng hơn nhiều đối với Nga hơn là quả vồ hụt mấy tỷ đô la vừa qua. Nếu như F-35 được nhận vào trang bị của Không quân Ấn Đọ thì bản thân chương trình tham vọng nhất của Nga trong lĩnh vực tái trang bị có thể bị đặt dấu hỏi. Đó là tiêm kích thế hệ 5 Т-50 hay PAK FA mà những mẫu đầu tiên đang được thử nghiệm ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva.
Logic ở đây thật đơn giản và tàn nhẫn. Hiện nay, Nga đang cùng với Ấn Độ chung tiền làm Т-50. Khung thân, động cơ, một phần thiết bị trên khoang, vũ khí là của Nga. Ấn Độ mà cụ thể là Hindustan Aeronautics Limited lo thiết bị điện tử của máy bay (thiết bị avionics): các hệ thống điều khiển, thiết bị dẫn đường… Ngoài ra, biến thể tiêm kích thế hệ 5 FGFA của Ấn Độ sẽ khác với biến thể của Nga ở chỗ có buồng lái 2 chỗ ngồi, động cơ và một số thứ khác. Tổng trị giá chương trình hiện ước 30 tỷ USD, nhưng với thời gian có thể sẽ tăng mạnh.


PAK FA Т-50
Theo những người tham gia dự án thì việc hợp tác đang diễn ra rất tốt đẹp và đến năm 2015, Không quân Nga hoàn toàn có thể có phi đội siêu máy bay đầu tiên trong biên chế. Ấn Độ cũng tính vào khoảng thời gian đó bắt đầu nhận được những chiếc FGFA đầu tiên. Mà họ thì cần những 214 chiếc máy bay này.
Triển vọng đó quả thực làm người Mỹ sợ hãi vì họ hiện vẫn giữ thế độc quyền sở hữu tiêm kích thế hệ 5. Không loại trừ việc Mỹ đề nghị Ấn Độ mua F-35 gần như đã sẵn sàng cũng là âm mưu phá hoại ngầm dự án Т-50 của Nga. Bởi vì nếu New Delhi dốc túi mua máy bay tối tân nhất của Mỹ thì việc gì họ phải tiếp tục chi tiền để phát triển tiêm kích Nga gần như cùng một chủng loại? Còn nếu người Ấn đột nhiên rút khỏi chương trình hợp tác với Nga thì liệu Nga đơn độc có thể gánh nổi những chi phí tài chính khổng lồ kia không? Nga sẽ thay thiết bị điện tử Ấn Độ trên T-50 bằng cái gì đây? Nhưng thậm chí nếu Nga khắc phục được những khó khăn phát sinh thì liệu những thời hạn tái trang bị Không quân Nga có tan thành mây khói không?
Các vị sẽ nói là thế các hiệp định quốc tế thì sao? Nhưng ở đây, Nga trong những năm gần đây đã cho các đối tác đủ nhiều ví dụ về cách phớt lờ chính những chữ ký cao cấp nhất của mình. Chẳng hạn như vụ tàu sân bay Đô đốc Gorshkov mà sau khi hiện đại hóa lẽ ra đã được đưa vào biên chế Hải quân Ấn Độ với tên gọi Vikramaditya. Theo hiệp định, sự kiện này lẽ ra đã phải diễn ra từ năm 2008. Điều đó đến nay chưa xảy ra hoàn toàn do lỗi của phía Nga.
Nếu như trước đây, vào năm 2007, hạm đội Ấn Độ tính toán thuê 10 năm tàu ngầm nguyên tử đa năng Nerpa. Nhưng đến nay họ vẫn chưa có được nó.
Chương trình hợp tác Nga-Ấn phát triển máy bay vận tải quân sự cũng dậm chân tại chỗ.

Như thế là chính người Nga bằng tay mình đang đưa các đối tác đến câu hỏi: nói chung liệu có đáng dính líu với Moskva không nếu như còn có những con đường khác?
Bình luận của Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) Aleksandr Khramchikhin
SVPressa: Theo ông, người Ấn có thể mua F-35 của Mỹ không?
- Tôi không nghĩ là thương vụ này sẽ thành công. F-35 có rất nhiều vấn đề. Nó đang được thử nghiệm, rồi thử nghiệm, nhưng máy bay thì chưa có vẫn hoàn chưa có. Hơn nữa, giá cả máy bay lại liên tục tăng. Bởi vậy, hiện nay chẳng có gì mà mua cả.
SVP: Nhưng rõ ràng là người Mỹ đâu có ngu. Họ đang tính toán cái gì đó.
- Dĩ nhiên là họ tính toán, trông đợi. Họ đã bỏ bao nhiêu tỷ đô cho chương trình này nên họ đơn giản là bắt buộc phải đi đến cùng. Chắc chắn họ sẽ kiên nhẫn gạ gẫm Ấn Độ.
SVP: Nhưng giả sử F-35 cuối cùng cũng được hoàn thiện và Ấn Độ sẽ mua nó, điều đó có thể đặt thành dấu hỏi đối với sự tham gia của Ấn Độ trong chương trình phát triển Т-50 của Nga?
- Nếu Ấn Độ mua thì phức tạp thực sự có thể nảy sinh với tiêm kích tương lai của Nga. Khi đó, vấn đề sẽ là liệu các đối tác của Nga có muốn có trong không quân của mình cùng lúc 2 loại tiêm kích thế hệ 5 hay không. Mặc dù điều đó là không loại trừ. Bởi vì, Nga đang chế tạo một tiêm kích hạng nặng, còn F-35 là máy bay hạng nhẹ. Mỹ đã quyết là họ cần cả tiêm kích hạng nặng lẫn tiêm kích hạng nhẹ. F-22 hạng nặng họ đã có. F-35, không loại trừ là họ cũng sẽ có. Thế thì tại sao Ấn Độ sẽ không làm như thế? Chỉ có điều là thay vì F-22 thì họ mua tiêm kích hạng nặng của Nga?
SVP: Vì muốn thế họ cần có năng lực tài chính như của Mỹ.
- Có thể giảm số lượng máy bay mua sắm đến mức có thể chịu nổi.
SVP: Dẫu sao thì đoán New Dwlhi sẽ quyết định thế nào là việc vô bổ. Liệu có khả năng xảy ra tình huống Ấn Độ cuối cùng vẫn rút khỏi chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 hợp tác với Nga không? Nhất là khi tính đến những scandal gần đây trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn?
- Khó có chuyện họ rút hoàn toàn. Họ sẽ chẳng muốn cãi nhau với Nga đâu. Kể cả khi xét đến tất cả những cuộc thầu mà Nga đã thua ở Ấn Độ thì đến 80% vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ vẫn là của Nga. Ở tình thế đó thì cãi cọ lớn là rất nguy hiểm.
Nguồn: Sergei Ishchenko // SVP, 8.11.2011.
http://vietnamdefence.com/