Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Miến Điện ngưng dự án thuỷ điện Myitsone

Việt Long
Một tuần nay tin thời sự gây ngạc nhiên cho thế giới là tin chính phủ dân sự Miến Điện hôm thứ sáu đột nhiên tuyên bố ngưng hợp đồng liên doanh công trình xây đập thuỷ điện lớn nhất của Miến Điện trên sông Irrawaddy, gọi là đập Myitsone.
AFP photo - Công nhân Miến Điện bên dòng sông Irrawaddy
Dự án này do Bộ Điện lực Miến Điện, công ty tư nhân Á Châu Thế giới và Tập đoàn Đầu tư Điện lực Trung Quốc cộng tác thực hiện.

Chính quyền mới theo ý dân?

Sự kiện này gây ngạc nhiên là vì chỉ mấy ngày trước đó cảnh sát đã bắt giữ một người trương biểu ngữ trước toà đại sứ  Trung Quốc, phản đối công trình này. Trước nữa, chính phủ cũng giải tán những cuộc tập trung mỗi  lần khoảng mấy chục người để phản đối tương tự. Và mới tháng 9 trước đây bộ trưởng bộ điện lực của chính phủ dân sự Miến Điện còn tuyên bố công tác kiến tạo con đập sẽ được tiến hành dù cho công chúng có quan ngại.
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi bên bích chương phản đối dự án- AFP photo
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi bên bích chương phản đối dự án- AFP photo
Điều cần lưu ý thêm, là dư luận ở Miến Điện đã phản đối dự án này từ lâu. Sự phản đối phát xuất không những từ thành phần đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, mà còn từ những thành phần cấp tiến trong quốc hội mới của Miến Điện, cũng như giới truyền thông. Thêm vào đó, hầu hết mọi phía công luận trên thế giới đều coi cuộc tổng tuyển cử vừa qua của Miến Điện chỉ là hành động dân chủ giả hiệu, việc giải tán Hội đồng quân nhân lãnh đạo xứ Miến và thành lập thể chế chính trị dân sự cũng chỉ là lớp màn che đạy một chính sách lãnh đạo vẫn do các tướng lãnh điều khiển từ trong hậu trường chính trị.
Đột nhiên Chủ tịch nước của Miến Điện là ông Thein Sein tuyên bố trước quốc hội rằng chính phủ phải hành động theo nguyện vọng của người dân, và ngày nào ông còn là chủ tịch nước thì ông vẫn không tiến hành hợp đồng xây dựng đập nước thuỷ điện Myitsone. Một chính phủ được coi là hậu thân và kế tục chính quyền quân phiệt từng tàn sát hằng ngàn người biểu tình hồi năm 1988, những chính quyền quân sự mà trong hơn 50 năm nay từng đi ngược lại ý dân, đàn áp mọi thành phần dân chúng, tàn sát và giam nhốt cả sư tăng Phật giáo là thành phần được tôn sùng nhất ở Miến Điện, nay lại tuyên bố làm theo lòng dân thì mới là điều gây ngạc nhiên lớn nhất.

Chuyển hướng chính trị-ngoại giao?

Đáng chú ý thêm nữa, là Trung Quốc luôn luôn bênh vực Miến Điện về mặt chính trị, và yểm trợ kinh tế cho xứ Miến, trong khi Miến Điện vẫn còn bị hầu hết các nước trên thế giới chỉ trích, phản đối, thậm chí áp dụng biện pháp cô lập kinh tế và chính trị. Đổi lại, Trung Quốc được Miến Điện cho thiết lập những căn cứ hải quân nhìn ra vịnh Bengale, trong một chuỗi những căn cứ như vậy, sẵn sàng để tiếp vận cho hải quân Trung Quốc và làm căn cứ quan sát, thu thập tin tức tình báo về hoạt động trên biển của Ấn Độ, Hoa Kỳ cùng các quốc gia khác.
Các công ty  Trung Quốc và Hồng Kông đã chiếm tới 70% trong những dự án đầu tư nước ngoài trị giá 20 tỉ đô la  mà Miến Điện chuẩn thuận cho tài khoá 2010-2011. Riêng dự án thuỷ điện Myitsone trị giá 3 tỉ 600 triệu đô la, thì đã xong công tác điều tra khả thi, bước vào giai đoạn thực hiện từ năm 2009, thì đột nhiên chủ tịch Thein Sein tuyên bố trước Quốc hội rằng “chính phủ của ông do nguyện vọng người dân sinh ra, nên phải hành động theo ý nguyện của dân”.
Liệu đây có phải là sự thay đổi bất ngờ về chính sách và chiến lược của chính phủ dân sự Miến Điện hay không? Nhất là trước đó Hoa Kỳ  đã tiếp xúc tích cực với phái đoàn Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, rồi mới hôm thứ năm Ngoại trưởng Miến Điện đã hội kiến với đặc sứ Derek Mitcheel phụ trách các vấn đề liên quan đến Miến Điện và các viên chức cao cấp nhất của Vụ Á châu và nhân quyền thuộc bộ ngoại giao Hoa Kỳ; qua thứ sáu thì tại Miến Điện chủ tịch Thein Sein tuyên bố những lời vừa hợp lòng dân vừa hợp ý phe ủng hộ dân chủ trên thế giới.

Khó lòng thay đổi sớm

Công luận dường như chưa đi đến một dự đoán quá xa như vậy. Sự tạm ngưng hợp đồng thi hành dự án chưa có nghĩa là dự án chắc chắn sẽ bị huỷ bỏ, đó là điều thứ nhất. Thứ hai là dự án thuỷ điện Myitsone trên sông Irrawaddy được coi là chắc chắn sẽ gây tai hoạ về môi trường không thể phục hồi, sẽ dìm hằng chục ngôi làng trong biển nước, đời sống hằng chục ngàn dân sơn cước ở xung quanh bị ảnh  hưởng tê hại, trong khi điện lực làm ra thì đem bán phần lớn cho Trung Quốc.
Bản đồ vị trí đập Myitsone- AFP photo
Bản đồ vị trí đập Myitsone- AFP photo
Dự án này được chính quyền quân nhân trước đây cũng như thành  phần thân Trung Quốc trong quốc hội và chính phủ ngày nay ủng hộ, nhưng không ít những vị dân cử mới trong quốc hội phản đối. Phía quân nổi dậy cũng hoạt động mạnh, muốn tấn công gây rối cho công ty xây dựng của  Trung Quốc phải rút lui. Trước đó hồi tháng tư đã có môt loạt bom gài nổ ngay tại địa điểm xây dựng con đập, phá huỷ nhiều xe cộ, nhà cửa. Tháng 8, quân nổi dậy bắn chết 7 người trong đó có một số công nhân dân sự, ở tại một đập nước khác do người Trung Quốc điều hành.
Những tổ chức hoạt động nhân quyền, chính trị ở Miến Điện và của người Miến ở nước noài còn đòi huỷ bỏ cả 8 dự án thuỷ điện tương tự, vì xâm hại môi trường và vì sự khả dĩ vi phạm nhân quyền khi thực hiện, như cưỡng bách lao động với người thiểu số, di dời và chiếm đoạt buôn làng, rừng núi của họ ,cùng nhiều vi phạm khác. 
Trong bối cảnh ấy, có thể chỉ vì những nguyên do nội bộ như thế mà chính phủ dân sự Miến phải ngưng lại hợp đồng. Sự  liên kết kinh tế và phần nào về chính trị với Trung Quốc khó lòng thay đổi một sớm một chiều. Điều đáng nói là việc này cho thấy những dấu hiệu đổi mới về dân chủ đang ngày càng rõ nét tại Miến Điện, là nơi mà cả thế giới từng nghi ngờ ý nguyện chuyển đổi đích thực của giới cầm quyền.

Đối chiếu với Việt Nam 

Trong khi đó tại Việt Nam dự án thuỷ điện Sơn La đã được thực hiện gần xong và sắp bước vào giai đoạn hoạt động, dù giới chuyên gia cả trong lẫn ngoài nước đều nói công khai là hồ thuỷ điện Sơn La sẽ tràn xuống dìm ngập cả vùng hạ lưu sông Hồng, nếu xảy ra động đất hay phá hoại.
So sánh với Miến Điện, người ta có thể nghĩ thế nào về việc này ở Việt Nam? Thực ra, mỗi nước có một hoàn cảnh riêng về quốc phòng, nội trị, ngoại giao cho nên việc so sánh Miến Điện với Việt Nam khó tránh sự khập khiễng.
Việt Nam với yếu tố địa lý chính trị và mối liên kết từ hơn 60 năm nay với  Trung Quốc, đã phải nhượng bộ Trung Quốc hơn nhiều, so với Miến Điện. Việt Nam khó lòng thay đổi ý định về những dự án như thuỷ điện Sơn La hay bô-xít Tây Nguyên, vì hoàn cảnh riêng như vậy. Thêm vào đó chế độ chính trị của Việt Nam không phải là chế độ chính trị vừa được đổi mới về dân chủ như ở Miến Điện, nên việc này càng khó hơn, và đã cũng như sẽ không thể xảy ra. 
http://www.rfa.org/vietnamese/