"Mất nước rồi cháu ơi, không làm gì được nữa đâu!" - Tôi nhận tin nhắn của một bác trong Friend list mình mà thấy đắng lòng. Người bác, người bạn vong niên với tấm lòng lúc nào cũng thiết tha với đất nước có lẽ vừa đọc xong toàn văn bản tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc sau chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng vừa qua.
Lần đầu tiên tôi không gửi hồi đáp tin nhắn cho bác, bởi tôi không biết nói gì.
Bởi tôi đang có cảm giác hình như đang có một sự im lặng "đến tê người" trước đối sách ngoại giao vừa được ký kết giữa lãnh đạo hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Với những gì trong bản Tuyên bố chung hôm nay thể hiện, thì tương lai của Việt Nam 5 - 10 năm tới hoàn toàn không có gì là sáng sủa.
Trí thức ở đâu?
Những học giả, những vị lão thành cách mạng, những người có tiếng nói với thời cuộc nghĩ gì khi đọc bản tuyên bố này?
Còn nhớ cách đây 2 năm, khi những người đầu tiên ký tên vào bản kiến nghị dừng dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên bị sách nhiễu, nhiều người khác vẫn thờ ơ với vấn đề này. Hôm nay,khi sự cố tại các hồ chứa bùn xảy ra, khi không kiểm soát được tình trạng công nhân Trung Quốc tràn ngập tại Việt Nam.
Người ta nghĩ gì?
Còn nhớ, khi Thác Bản Giốc bị chia hai, có quá nhiều người không quan tâm đến nó, giờ đây khi các thời báo và tạp chí nước ngoài đăng tải thông tin có lợi cho chủ quyền đối với Thác Bản Giốc, người Việt Nam nghĩ gì?
Sự thờ ơ của quá khứ đã đóng đinh cho cỗ quan tài mất mát của hiện tại.
Không lẽ, dân tộc ta cứ phải đi sau cỗ quan tài chôn cất những mất mát đã rồi của Mẹ Việt Nam??
Không lẽ chúng ta cứ mãi xếp hàng trong chuyến tàu muộn màng để khẳng định chủ quyền "đã bị cướp" của đất nước mình với toàn thế giới mãi sao?
Mất nước rồi ư?
Có lẽ thế thật!. Bởi trong lịch sử 1000 năm trước dân tộc này không thể bị đồng hóa bằng hình thức xâm lấn, thống trị... thì nay đã có những hình thức ngoại giao tinh vi hơn, buộc cả dân tộc phải tự đồng hóa mình, phải cam chịu vì lép vế, đớn hèn im lặng, chấp nhận cúi đầu mà quên đi truyền thống quật cường của cha ông để lại.
Mất nước rồi ư?
Có lẽ thế thật, nếu không thì tại sao Trung Quốc có thể ngang nhiên phủ nhận đặc quyền khai thác dầu khí của Việt Nam trên thềm lục địa nước Việt trong khi ông Trọng đang thăm viếng Bắc Kinh?
Mất nước rồi ư?
Có lẽ thế thật, nếu không tại sao lại im lặng tháo gỡ những tin tức làm dấy lên một loạt câu hỏi về ý thức dân tộc của người Việt Nam? Tại sao lại âm thầm "sửa đổi lịch sử", thay ngày đổi tháng, thêm sao trên cờ cốt làm vui lòng tên láng giềng xấu tính?
Mất nước rồi ư?
Có lẽ thế thật, nếu không vì sao người ta cướp giật, vò nát những chiếc nón lá hiền lành ghi đậm dòng chữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" ngay giữa lòng Hà Nội?
Mất nước rồi ư?
Có lẽ thế thật, bởi chúng ta chưa vượt qua được nỗi sợ hãi của chính bản thân mình.
Có nhiều người hy vọng ở một cuộc cách mạng đổi mới, nhưng tôi tin rằng khó có thể làm nên một cuộc cách mạng khi mỗi cá nhân chưa đi đến với cách mạng bản thân. Làm sao vượt qua được sợ hãi khi mỗi chúng ta có quá nhiều thứ phải cân nhắc để mất: công việc, gia đình, người thân, bạn bè....
Có những việc làm tưởng chừng như đơn giản là công khai thắc mắc, đòi hỏi quyền công dân của mình phải được thực hiện bằng cách công khai trao đổi qua thư tín, qua điện thoại với cơ quan công quyền thì chúng ta thường bỏ qua, bởi suy nghĩ "rồi sẽ chẳng đi đến đâu". Dù không bao giờ hy vọng có một câu trả lời thỏa đáng với mình mỗi khi hỏi, nhưng tôi vẫn hỏi, vẫn yêu cầu được giải đáp. Bởi tôi tin rằng, khi một người hỏi người ta có thể im lặng, 10 người, 100 người, 1000 người... cũng thế, nhưng nếu 10.000 người, 100.000 người cùng hỏi, cùng quan tâm cùng yêu cầu trả lời... thì đáp lời chúng ta, không thể là một sự im lặng mãi được.
Và quan trọng hơn hết, tôi tin rằng: im lặng là đồng lõa với tội ác.
Im lặng là đồng tình với những người công an đang chà đạp lên lòng yêu nước - cái vốn quý nhất của dân tộc - khi họ cùng nhau xâu xé chiếc nón "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" và bắt cóc người chủ của chiếc nón Việt Nam ấy.
Im lặng là đồng tình, là chấp nhận chính mình là một phần tử được nhân danh trong những giao kết đời đời biết ơn Trung Quốc, đặt quan hệ giữa hai đảng lên trên hết mọi sự...
Im lặng là tự chính mình làm quan tòa đóng dấu cho bản án bỏ tù lương tâm, bổn phận và trách nhiệm của chính mình đối với quê hương.
Im lặng là hành động cụ thể nhất để đánh mất chính mình.
Tôi đã viết: "Vận mệnh của đất nước phụ thuộc vào chính chúng ta", bởi tôi tin rằng: "lịch sử có mắt".
Hôm nay chúng ta im lặng, chúng ta không có ý kiến với những gì đã xảy ra, hoặc có, giả chăng chỉ là những lời than van, cay đắng, đầy buồn tủi... Tức là, chúng ta tự chấp nhận định mệnh đã được sắp đặt sẵn cho chính bản thân mỗi người, cho dân tộc trong tương lai.
Tôi tin rằng sẽ có ngày tôi phải nhìn thẳng vào mắt của con cái tôi, trả lời câu hỏi của chúng về thực trạng của đất nước và biết rằng tôi chỉ có thể nhìn chúng mà không cúi mặt, biết rằng câu trả lời đàng hoàng và có trách nhiệm nhất phải được bắt đầu bằng thái độ và hành động của chính mình từ bây giờ.
Sự thờ ơ của hiện tại sẽ đóng đinh tiếp cho những cỗ quan tài mất mát tương lai.
Mất nước rồi ư?
Không tôi không tin.
Không thể nào, bởi tôi tin rằng, một khi ta yêu, ta muốn bày tỏ tình yêu thương thực sự, chắc hẳn ta sẽ tìm ra cách thể hiện nó, chứ không thể im lặng giấu mãi trong lòng.
Mất nước rồi ư?
Không tôi không tin.
Tôi không cho phép tôi tin vào điều bi thảm ấy giữa những im lặng tê người này. Một thứ không thể bị mất đi khi còn có người yêu thương nó, vì vậy, không thể nào, không thể nào đất nước Việt Nam mà tôi yêu thương đến bật máu trong lòng này có thể mất được.