SGTT.VN - Việc một doanh nghiệp ở Quảng Đông, Trung Quốc lấy tên “Buôn Ma Thuột” để làm thương hiệu cà phê của mình đã được một số quan chức tỉnh Dăk Lăk biết từ lâu, nhưng tỉnh đã không triển khai những việc cần làm để ngăn chặn họ tiến tới đăng ký bảo hộ độc quyền, gây nhầm lẫn về nguồn gốc địa lý của hàng hóa và còn có thể ngăn chặn việc xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột vào Trung Quốc.
|
Ông Đinh Văn Khiết, phó chủ tịch UBND tỉnh Dăk Lăk, cho biết cách đây khoảng hai năm, trong cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư vào Dăk Lăk tại TP.HCM, ông đã ngỡ ngàng khi nhận được danh thiếp của một doanh nhân bằng hai thứ tiếng Hoa - Anh, có in dòng chữ “BUON MA THUOT COFFEE”.
Người giới thiệu doanh nhân nọ với ông giải thích: Công ty mang tên càphê Buôn Ma Thuột đó có trụ sở ở Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Ông về, kể lại và nhắc cán bộ Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột nên cảnh giác trước hiện tượng này với. Sau đó sự việc đi vào quên lãng!
Ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Dăk Lăk, nay là thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ, một trong những người tiên phong trong việc vận động xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, cũng xác nhận rằng ông biết rõ có một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu cà phê, trụ sở tại nội thành Buôn Ma Thuột, từng liên kết mua bán với công ty nọ ở Quảng Châu, Trung Quốc từ nhiều năm trước. Chính “mối duyên” đó đã dẫn đến việc doanh nghiệp Trung Quốc kia táo bạo lấy cụm từ càphê Buôn Ma Thuột làm nhãn hiệu cho mình.
Được biết, ngay tại Festival càphê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất, đại diện cục Sở hữu trí tuệ đã trao Quyết định 806/QĐ – SHTT cấp đăng bạ quốc gia số 00004 từ ngày 14.10.2005 về việc công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Dăk Lăk. Tuy nhiên, mãi đến tháng 8.2011, sở Khoa học và công nghệ Dăk Lăk mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho 8 doanh nghiệp thành viên của hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột với diện tích hơn 8.800ha, sản lượng khoảng 26.000 tấn/năm. Trong khi đó, toàn vùng chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột có diện tích lên tới 100.000ha, sản lượng hơn 300.000 tấn/năm. Nguyên nhân của sự chậm trễ này được lý giải là trước khi Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột ra đời vào cuối năm 2010, ở Dăk Lăk không có tổ chức nào đủ khả năng quản lý, sử dụng, phát triển chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột.
Hơn nữa, muốn được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này, các tổ chức và hộ nông dân phải áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất, chế biến cà phê nên cần có thời gian.
Có phải vì phía các cơ quan chức năng Việt Nam còn quá chậm chạp để doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội "đi trước", khiến chúng ta gặp khó hôm nay?
Bài và ảnh: Hoàng TN