Tờ Tin tức Châu Á của Thái Lan hôm qua đăng bài bình luận về “Chiến lược quốc phòng kép của Việt Nam”. Đây là một bài viết mang tính nghiên cứu riêng của tác giả trên cơ sở phân tích tình hình quan hệ quốc phòng Việt Nam với các nước trong thời gian qua. Để rộng đường dư luận, tìm hiểu cách nhìn nhận của báo chí quốc tế về chính sách quốc phòng vì hoà bình của Việt Nam, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả nguyên văn nội dung bài viết:
"Nhằm tăng cường thế trận an ninh và củng cố vị trí của mình trong khu vực cũng như trên thế giới, thời gian qua, bên cạnh việc không ngừng xây dựng lại lực lượng vũ trang, Việt Nam đã tiến hành mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với một loạt các nước trên thế giới.
Đoàn đối thoại quốc phòng Việt Nam - Mỹ tại Washington |
Dấu ấn ngoại giao quốc phòng nổi bật gần đây nhất của Hà Nội là Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng với Mỹ, kết quả của cuộc đối thoại chính sách quốc phòng song phương được tổ chức tại Washington ngày 19/9 vừa qua. Đây cũng là kết quả của các cuộc gặp trong khuôn khổ phiên đối thoại lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội một năm trước.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, “Bản ghi nhớ lần này giữa Việt Nam và Mỹ vạch ra khuôn khổ hợp tác song phương nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, đảm bảo an ninh hàng hải, trao đổi kinh nghiệm và thông tin cũng như duy trì hòa bình ở khu vực”.
Thỏa thuận lần này thiết lập một cơ chế đối thoại cấp cao giữa Bộ quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải, các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc và hỗ trợ nhân đạo/ cứu trợ thiên tai. Đồng thời, Washington cam kết sẽ hộ trợ cho các hoạt động rà phá bom mìn tại Việt Nam trong khi Hà Nội cam kết tiếp tục hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Một sáng kiến riêng biệt do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành gần đây cho thấy hai nước sẽ tiến hành đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng song phương. Tiến trình này sẽ bao gồm đàm phán khả năng Hải quân Mỹ được phép ra vào cảng biển của Việt Nam.
Tuy nhiên, Washington vẫn còn giữ những hạn chế về buôn bán vũ khí với Việt Nam – một hạn chế hiện đang là chủ đề của các cuộc thảo luận song phương.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết những thỏa thuận (Bản ghi nhớ) với Mỹ không phải là duy nhất. “Về hợp tác quốc phòng”, ông nói, “Việt Nam đã ký một loạt các Bản ghi nhớ với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Cu Ba và một số nước ASEAN”.
Một báo cáo riêng biệt cho biết Singapore cũng là đối tác đối thoại quốc phòng với Việt Nam, trong khi gần đây Việt Nam đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác công nghiệp quốc phòng với các nước như Đức, Israel, Ba Lan, Romania, Slovakia và Anh. Các cuộc đối thoại quốc phòng song phương cũng sẽ sớm được tiến hành với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chỉ vài tuần trước, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dẫn đầu một đoàn quân sự cấp cao Việt Nam sang Bắc Kinh tiến hành cuộc đối thoại quốc phòng và an ninh lần thứ 2. Dẫn đầu đoàn Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc là Trung tướng Mã Hiểu Thiên, phó Tổng tham mưu trưởng. Trong cuộc gặp diễn ra ngày 28/8, hai bên đã đồng ý thúc đẩy trao đổi quân sự cấp cao, thiết lập đường dây nóng quốc phòng và mở rộng các hoạt động liên kết đào tạo.
Theo Đài tiếng nói Việt Nam, “các thế lực thù địch đang tập trung chống phá theo hai luận điểm: một là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống lại Trung Quốc, hai là Việt Nam thừa nhận phần lãnh thổ tranh chấp của mình thuộc về Trung Quốc”.
Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đưa ra nhận xét, “Chúng ta phải làm cho người dân hai nước hiểu rõ sự thật và rằng, dù quan hệ Việt Nam – Trung Quốc còn có điểm thiếu sót nhưng hai đảng và hai nhà nước cam kết giải quyết mọi vấn đề thông qua giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trong hoàn cảnh hiện nay, một điểm đáng chú ý là lực lượng vũ khí quốc phòng đã cũ của Hà Nội đang được hiện đại hóa trên một quy mô đáng kể.
"Quân đội Việt Nam sẽ được hiện đại hóa theo hướng giảm dần phụ thuộc vào lục quân đồng thời tăng cường đầu tư cho không quân và hải quân" |
Hiện đại hóa quân đội Việt Nam giai đoạn hiện nay bao gồm các tàu ngầm lớp Kilo, máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MKK và trực thăng đổ bộ tuần tra biển DHC-6. Tháng trước Việt Nam đã mua một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn, và một tàu chiến lớp Gepard từ Nga.
Hiện nay hai hợp đồng vũ khí của nước này với Cộng hòa Séc vẫn chưa được công bố. Trong năm qua, Việt Nam đã nhận được một số hệ thống định vị radio Vera do Séc cung cấp sau khi được Mỹ đồng ý và trong vài tháng qua, Séc đã giúp Việt Nam nâng cấp hệ thống ra-đa tín hiệu sóng sang tín hiệu số cho một loạt các radar P18 do Nga sản xuất.
Hệ thống radar Vera của Séc sẽ thay thế hệ thống Kolchuga của Ukraina mà Việt Nam đã mua trước đó nhưng hiệu quả hoạt động không cao.
Hiện nay Việt Nam đang tiến hành đàm phán một hợp đồng nhằm mua của Séc những máy bay vận tải tầm ngắn L-410 nhằm vận chuyển hàng hóa ra các khu vực đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Hà Nội bắt đầu xem xét phát triển lực lượng của mình từ đầu những năm 1990. Chiến lược quốc phòng mới của Việt Nam hiện nay là giảm phụ thuộc vào lục quân đi cùng với tăng cường đầu tư cho không quân và hải quân".