Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

So sánh hai biến cố tháng Tám

Một nhà hoạt động Việt Nam sống lâu năm lại Liên Xô và Nga tâm sự ông thất vọng về cả hai biến cố xảy ra trong tháng Tám có tác động to lớn đến tiến trình lịch sử của Việt Nam và Nga.
Ông Nguyễn Minh Cần, 83 tuổi, so sánh về Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam và cuộc chính biến tháng 8/1991 ở Moscow mà đã châm ngòi dẫn đến việc giải thể Liên bang Xô Viết.
Từng là đảng viên Cộng sản Việt Nam, và là phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội, ông hiện đang sống tại Moscow từ năm 1964 do bất đồng quan điểm.
Tưng bừng phấn khởi
Năm 1945, khi còn rất trẻ, ông Cần kể, với tinh thần yêu nước nồng nàn, ông đã hưởng ứng cuộc Cách mạng tháng Tám tại thành phố Huế trong không khí tưng bừng phấn khởi vì tất cả đều nghĩ tới việc đất nước được độc lập.
"Trong điều kiện xã hội dân trí còn chưa cao, ngay bản thân những người như chúng tôi cũng không phân biệt Cộng sản hay không Cộng sản mà chỉ với lòng yêu nước mà hưởng ứng cuộc Cách mạng tháng Tám. Đây thực sự là một phong trào quần chúng."
Nguyễn Minh Cần

"Khi đó người dân thực sự chưa hiểu về Đảng Cộng sản, mà chỉ nghe nói tới Việt Minh và giành độc lập thì ai cũng muốn.”
"Trong điều kiện xã hội dân trí còn chưa cao, ngay bản thân những người như chúng tôi cũng không phân biệt Cộng sản hay không Cộng sản mà chỉ với lòng yêu nước mà hưởng ứng cuộc Cách mạng tháng Tám. Đây thực sự là một phong trào quần chúng," ông nói.
Sau đó khi sang Liên Xô đi học và vì bất đồng quan điểm, ông không trở về Việt Nam được và đã xin cư trú chính trị ở Liên Xô. Ông cho biết vào những năm 60 - đầu những năm 70 đất nước Liên Xô lâm vào thời kỳ khủng hoảng lớn.
Khi ông Mikhail Gorbachev lên nắm quyền và thực hiện cải tổ, Perestroyka, vào giai đoạn 1986, bối cảnh chính trị xã hội khi đó cởi mở hơn trước đã đem lại cơ hội cho phong trào quần chúng mang tên Nước Nga Dân chủ.
Ông Cần và vợ người Nga, bà Inna Mikhailovna, đã trực tiếp tham gia phong trào này.
"Đến ngày 19/8/1991, phái bảo thủ nhất trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản đã tổ chức cuộc đảo chính, chính cuộc đảo chính đã gạt bỏ ông Gorbachov và tấn công vào phong trào dân chủ nước Nga mà khi đó ông Yeltsin là người đứng đầu," ông đánh giá.
Cuộc đảo chính đã gây phẫn nộ trong quần chúng tại Moscow và St Petersburg và nhiều thành phố khác của Nga dẫn tới việc người dân nổi dậy bảo vệ phong trào Dân chủ và cuộc đảo chính đã thất bại.
Trên đà tiến tới đó, phong trào dân chủ đã tấn công vào các cơ quan nhà nước Liên Xô, KGB, Trung ương Đảng...dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.
Ông Cần và vợ, bà Inna
Ông Cần và bà Inna đã có mặt tại "Nhà Trắng" ở Moscow, tham gia cuộc cách mạng dân chủ ở Nga năm 1991
Khác biệt
Ông Nguyễn Minh Cần nhớ lại: "Chúng tôi tham gia Cách mạng tháng Tám với ý nghĩ chân thành, đất nước được tự do, độc lập với những lời hứa hẹn của Việt Minh lúc bấy giờ là mở rộng dân chủ, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại hội họp, ngôn luận.”
“Đáng tiếc là khi đảng Cộng sản lên cầm quyền những điều đó đã không được thực hiện."
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp và một nửa nước được giải phóng thì lại xảy ra những việc "như Cải cách Ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm hay việc đánh vào các đảng viên cộng sản có ý kiến khác, gây ra vụ 'Xét lại chống Đảng', đó cũng là điều đáng buồn," ông nói
"Phong trào yêu nước của Việt Nam đưa đảng Cộng sản lên cầm quyền còn Phong trào Dân chủ của nước Nga lại hạ bệ đảng Cộng sản bởi vì Đảng Cộng sản Liên Xô không làm ích lợi gì cho dân mà chỉ gây khó khăn khổ sở cho dân.”
"Nhưng đáng tiếc là cuộc cách mạng Dân chủ ở nước Nga đã không thành công. Tôi coi đó là thất bại, vì đã đưa lên những người lãnh đạo không cương quyết, không triệt để thực hiện đường lối cho thật đúng, để cho phe bảo thủ quay lại và bây giờ các thành tựu dân chủ ngày càng mất dần, và những người lãnh đạo nước Nga đang dần quay trở lại chế độ toàn trị," ông Nguyễn Minh Cần nói.
'Chưa đạt theo ý muốn'
Theo ông Nguyễn Minh Cần, cả hai cuộc cách mạng đều chưa đạt được như ý muốn nhưng "không có nghĩa là cuộc cách mạng dân chủ để thay đổi chế độ, bỏ chế độ độc tài, là không cần thiết, mà ngược lại rất cần thiết.”
“Nhưng khi chiến thắng thì phải làm triệt để, phải thay đổi những người lãnh đạo thật tích cực, không thể để lại những người từng lãnh đạo trong chế độ cũ, phải thay đổi bộ máy," ông nói.
Ngược lại, ông Cần cho rằng các cuộc cách mạng loại bỏ đảng cộng sản ở Đông Âu và các nước vùng Baltic đã rất thành công vì "họ đã đưa vào các thành phần mới, thay đổi cơ quan lãnh đạo và bộ máy nhà nước, chuyển hóa dần dần quân đội".
"Tôi hy vọng giới trẻ của cả hai nước nhận thức được hoàn cảnh của mình, tuy có khác nhau, nhưng phải thấy mục đích đi tới là một chế độ dân chủ thực sự. Và đó là con đường đi tới của đất nước"
Ông Nguyễn Minh Cần

Kết quả của cuộc cách mạng dân chủ tại Nga năm 1991 đã dẫn tới sự tan vỡ của Liên bang Xô Viết và theo ông Cần, đây là điểm tích cực nhất của cuộc cách mạng, tạo điều kiện cho các quốc gia được độc lập.
"Trước đây, Liên Xô là một đế quốc. Các dân tộc bị đưa vào cái đó nên khi bung ra thì mỗi nước đều muốn độc lập," ông Cần nói.
Theo ông Nguyễn Minh Cần, cuộc Cách mạng Dân chủ năm 1991 còn đem lại kết quả tích cực, không chỉ với các nước thuộc Liên Xô cũ mà còn với cả thế giới, tạo điều kiện chấm dứt Chiến tranh lạnh.
Nghĩ lại về hai cuộc Cách mạng tháng Tám mà ông đã từng tham gia tại hai quốc gia rất khác biệt này, ông Nguyễn Minh Cần cho rằng ở cả hai nước đều có một điểm chung, đó là đòi hỏi sự thức tỉnh của dân chúng.
"Tôi hy vọng giới trẻ của cả hai nước nhận thức được hoàn cảnh của mình, tuy có khác nhau, nhưng phải thấy mục đích là một chế độ dân chủ thực sự. Và đó là con đường đi tới của đất nước.”