Tống văn Công
Sáng nay, 29-8-2011, một tờ báo lớn có bài Ba điểm yếu của cuộc chiến Libya: 1- Bộc lộ yếu kém của NATO; 2- Lãnh đạo mới có thể không tốt hơn cũ; 3- Quá phụ thuộc vào NATO. Hôm kia, 27-8-2011, một nhà bình luận tên tuổi của báo chí Việt Nam đặt ra 2 “câu hỏi lớn”: Một là vai trò NATO, ngoài chuyện không kích và phong tỏa không phận, còn có gì nữa chưa được biết? Hai là, tại sao ông Gaddafi để mất Tripoli quá dễ dàng, nhanh chóng đến thế?
Thật kinh ngạc vì sự tổng kết cuộc chiến và câu hỏi lớn nhất của các nhà báo nước ta!
Các nền báo chí tự do của thế giới từng ngày có những quan điểm trái nhau. Ngay các nước tích cực trợ giúp quân sự cho quân nổi dậy, nhà báo của họ từng ngày có ý kiến phản biện với chính phủ. Trong khi đó, báo chí chúng ta quen chọn ý kiến của một phía thích hợp với khẩu vị mình, tự đánh lừa, cuối cùng bị bối rối khi sự thật diễn ra nhanh chóng và hoàn toàn trái ngược! Bạn đọc cũng bị “định hướng” của nhà báo đánh lừa!
Ngày 21-8, khi nghe tin quân nổi dậy Libya tràn vào thủ đô Tripoli, mấy bác cạnh nhà tôi đều ngạc nhiên không tin! Bởi mới cách đây đúng một tuần nhiều tờ báo của Việt Nam miêu tả “quân nổi dậy đang rối như canh hẹ” mà! Đêm nào trên Truyền hình cũng thấy nhân dân tung hô ông Gaddafi. Nhiều nhà bình luận Việt Nam gọi đây là “cuộc chiến tranh dầu lửa” hàm ý cho rằng nó xảy ra là do sự kích động của các đầu óc thực dân phương Tây. Một nhà bình luận tên tuổi cho rằng nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Gaddafi chạy sang quân nổi dậy là do truyền thông Phương Tây chiếm ưu thế. Ngày 24-8-2011, khi đã có hơn 40 chính phủ công nhận Hội đồng quốc gia chuyển tiếp Libya là đại diện hợp pháp duy nhất của nước Cộng hòa Libya, ngay Trung Quốc cũng tỏ ý mong muốn được hợp tác với chính quyền mới thì VN Express còn gọi họ là “phiến quân”! Đến ngày 25-8, nhiều tờ báo vẫn còn nghi vấn “Phe đối lập đáng tin đến đâu”; “Đây là thời điểm các phe phái trong quân nổi dậy bộc lộ mâu thuẫn nhau”; và “hơn 5000 người có vũ trang trung thành với Gaddafi đã kéo vào Tripoli”. Như vậy là theo các nhà bình luận Việt Nam thì nội chiến sẽ còn kéo dài ở Libya không biết tới bao giờ! Buổi truyền hình tối 28-8, một nhà bình luận tỏ ý bất bình về sự can thiệp thô bạo từ bên ngoài đối với nước Libya có chủ quyền và lo lắng cho số phận nhà nước Syria đang khủng hoảng.
Thiết nghĩ, nhìn lại diễn biến 6 tháng qua ở Libya cũng là điều bổ ích.
Từ một anh hùng trở thành tên độc tài tham nhũng!
Năm 1969, Gaddafi làm đảo chính lật đổ chế độ quân chủ lập nên chế độ Nhân dân xã hội chủ nghĩa Ả rập, với những khẩu hiệu “Phúc lợi xã hội”, “Dân chủ nhân dân trực tiếp”, đưa đất nước nghèo nàn trở thành giàu có, thu nhập đầu người hơn 10 lần nước ta hiện nay. Tuy nhiên, ông ta cũng nhanh chóng trở thành tên độc tài và ở ngôi vị 42 năm, lâu hơn các ông vua trước đó.
Ngày 31-8-2006, ông tuyên bố: “Phải tiêu diệt những kẻ đòi thay đổi chính trị”. Ngày 29-8-2009, ông tự phong: “Ta là một lãnh tụ quốc tế, thầy của các ông chủ Ả rập, vua của mọi nhà vua châu Phi, trưởng lão của người Hồi giáo và có tư cách cao quý không cho phép hạ thấp hơn”.
Tháng 9-2009, ở Hội nghị thượng đỉnh Nam Mỹ ông cùng Hugo Chavez kêu gọi thành lập “NATO phương Nam”. Cũng năm đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập ông tuyên bố mình là “Nhà lãnh đạo của các nhà lãnh đạo Ả rập”.
Ông bổ nhiệm con cái vào các vị trí cao cấp trong hệ thống cầm quyền. Ông tổ chức ám sát hơn 30 người đối lập sống ở nước ngoài. Libya hai lần tổ chức đánh bom máy bay hành khách của Mỹ và Pháp giết chết hằng trăm người. Gaddafi sở hữu gia sản khổng lồ gần trăm tỷ USD, riêng bà vợ thứ hai của ông sở hữu 30 tỷ USD và 20 tấn vàng.
Sự chuyển động ở Libya bắt đầu từ ngày 15-2-2011, khi 200 người dân ở thành phố Benghazi biểu tình yêu cầu trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Fathi Terbi, bị đàn áp. Hôm sau, số người biểu tình tăng lên 500, rồi 600 người. Cảnh sát nặng tay hơn, đánh bị thương 40 người. Hằng ngàn nhân dân Thủ đô Tripoli và thành phố Al-Baida xuống đường yểm trợ cuộc biểu tình của thành phố Benghazi.
Ngày 20-2 cảnh sát và quân đội Gaddafi bắn chết 200 người. Các thành phố Misurata, Tobruk… tham gia biểu tình.
Ngày 21-2 chính phủ Gaddafi cho không quân bắn vào người biểu tình.
Ngày hôm sau, 22-2, ông Mustafa Abdel Jalil, Bộ trưởng Tư pháp và tiếp theo là ông Abdel Fatah Younes Bộ trưởng Nội vụ tuyên bố ly khai chính quyền Gaddafi, đứng về phía nhân dân. Các chính phủ Mỹ và châu Âu lên tiếng phê phán việc đàn áp biểu tình.
Ngày 24-2, Gaddafi lên đài truyền hình cho rằng các thế lực thù địch ở phương Tây đang xúi giục bọn xấu trong nước gây rối.
Hôm sau, Gaddafi cho lính đánh thuê tràn vào Tripoli thẳng tay đàn áp và tiếp tục cho không quân bắn vào nhân dân biểu tình ở các thành phố.
Ngày 26-2 máy bay bắn vào đám tang của người biểu tình bị bắn chết, giết nhiều người đưa tang.
Ngay hôm sau, 27-2 Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp (NTC) tuyên bố thành lập do nguyên Bộ trưởng Tư pháp Mustafa Abdel Jalil làm Chủ tịch. Ngày 28-2 Gaddafi lên truyền hình tuyên bố: “Không có quân nổi dậy nào cả, chỉ có những kẻ xấu bị các thế lực thù địch nước ngoài xui giục. Tất cả người dân Libya của tôi đều yêu tôi” (Đài truyền hình VTV1 có phát cảnh này).
Ngày 5-3 Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Libya với tiêu chí Tự do, Công bằng, Dân chủ.
Ngày 10-3 Pháp là quốc gia đầu tiên công nhận Hội đồng chuyển tiếp là đại diện hợp pháp của nhân dân Libya.
Chính quyền Gaddafi tăng cường cho không quân tiếp tục đàn áp dữ dội các vùng nhân dân nổi dậy.
Ngày 17-3 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết 1973, cho phép lập vùng cấm bay ở Libya để bảo vệ dân thường. Từ 31-3 NATO nhận nhiệm vụ này. Nhiều nhà bình luận tiến bộ đã nhận định rằng “Số phận của Gaddafi đã được định đoạt rồi”! Rất tiếc các nhà bình luận của báo chí Việt Nam không ai nhận ra điều đó!
Nhờ có sự yểm trợ của không quân NATO, quân nổi dậy liên tiếp giành chiến thắng, chỉ trong bốn tháng rưỡi, ngày 21-8 đã tiến vào Tripoli được đông đảo nhân dân nổi dậy trợ giúp.
Ngày 26-8 Hội đồng quốc gia chuyển tiếp (NTC) đã về thủ đô Tripoli im tiếng súng. Ông Gamaty điều phối viên của Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp tuyên bố: “Sớm hay muộn gì Gaddafi cũng bị bắt”.
Một cuộc cách mạng dân chủ hay chỉ là sản phẩm của phương Tây?
Từ 2003, Gaddafi đã lần lượt cải thiện quan hệ tốt lên với các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Ý… Gaddafi thừa nhận các vụ đánh bom máy bay hành khách và chịu bồi thường những khoản tiền lớn.
Năm 2004, Thủ tướng Anh Tony Blair, Thủ tướng Đức Gerhard Schoder đến thăm Libya, ký kết nhiều hợp đồng khai thác, chế biến dầu mỏ.
Năm 2006 Gaddafi tuyên bố từ bỏ chương trình vũ khí giết người hằng loạt, bà Rice Ngoại trưởng Mỹ sang thăm được Gaddafi nồng nhiệt tiếp đón. Chính phủ Mỹ nhanh chóng đưa Libya ra khỏi danh sách những nước hỗ trợ khủng bố và tuyên bố “Libya và Mỹ là bạn”, nâng quan hệ hai bên lên cấp đại sứ.
Năm 2007, Tổng thống Pháp Sarcozy thăm Libya và ký nhiều hiệp ước hợp tác.
Đặc biệt Gaddafi và Thủ tướng Ý quan hệ với nhau rất thân thiết. Như vậy các chính phủ phương Tây không còn có vấn đề gì bức xúc để có kế hoạch chống lại Gaddafi.
Vấn đề Libya chính là mâu thuẫn tích tụ suốt 42 năm giữa nhân dân với nhà cầm quyền độc tài trấn áp dân chủ, nhen nhóm một lò lửa phản kháng. Làn gió “mùa Xuân nhân dân” từ Tunisia, Ai Cập thổi tới đã làm bùng lên lò lửa âm ỉ ấy.
Ở Tunisia và Ai Cập quân đội không nhả đạn vào nhân dân. Nhưng ở Libya thì khác, Gaddafi xuất thân là một quân nhân, ông ta có nhiều thủ đoạn nắm chắc tướng lĩnh và có chính sách mua chuộc quân đội. Do đó, khi nhân dân nổi dậy, Gaddafi lập tức sử dụng quân đội thẳng tay đàn áp vô cùng man rợ.
Hồi nhân dân Tunisia nổi dậy, phương Tây bị bất ngờ đã hờ hững, ủng hộ rất yếu ớt. Lúc ấy, Thủ tướng Anh đang thăm Ai Cập rao bán vũ khí. Ngoại trưởng Pháp đang thăm Tunisia bàn việc chia sẻ kinh nghiệm của cảnh sát Pháp cho cảnh sát Tunisia. Phương Tây chưa vượt khỏi nổi lo sợ từ kinh nghiệm Iran, sau khi vua Shah sụp đổ, chính quyền lọt vào tay Cách mạng Hồi giáo đã thù địch với họ. Họ phải dè chừng tìm hiểu mãi mới quyết định ủng hộ nhân dân nổi dậy.
Lần này với Libya, phương Tây đã được Mùa Xuân nhân dân Ả rập thức tỉnh, nên tất cả hăm hở lên tiếng ủng hộ và nhanh chóng tìm cách giúp đỡ, đặc biệt là việc giúp đỡ quân sự đã gây tranh cãi gay gắt.
Có hai quan điểm đối chọi nhau chan chát trong cách nhìn, cách giúp đỡ Libya:
Một là, quan điểm cho rằng Phương Tây can thiệp thô bạo vào độc lập, chủ quyền của Libya, một nước có chính phủ hợp pháp được nhiều quốc gia công nhận. Đứng đầu lập luận này là những quốc gia độc tài không cần che giấu, kế tiếp họ là những quốc gia độc tài mang mặt nạ dân chủ. Theo quan điểm này thì ở Libya không có Hội đồng quốc gia chuyển tiếp nào cả, mà chỉ có bọn gây rối, bọn phiến loạn do phương Tây giật dây, phục vụ cho máu tham dầu lửa của họ. Hiện nay, những người có quan điểm này đang lo cho số phận của nhà cầm quyền Syria – nhà cầm quyền đang dùng dùi cui và súng đối với nhân dân.
Hai là lập luận: Chính quyền Gaddafi đã dùng vũ lực chống nhân dân mình thì không còn tư cách đại diện nhân dân Libya. Đứng đầu là Mỹ, Anh, Pháp, Ý… Theo quan điểm này thì làm mọi việc, giúp đỡ mọi hình thức, kể cả quân sự cho lực lượng nổi dậy của nhân dân, chẳng những là nhân đạo, mà còn là thực sự tôn trọng chủ quyền đất nước phải thuộc về nhân dân Libya.
Nghe lập luận này, chúng ta không khỏi nhớ câu nói của Hồ Chí Minh: “Nếu nước đã được độc lập mà nhân dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Suy ra, nhân quyền, dân quyền mới là vấn đề thực chất, chủ quyền đất nước phải thuộc về nhân dân chứ không phải của nhà cầm quyền độc tài. Không cho phép nhà cầm quyền độc tài núp sau bình phong chủ quyền để trấn áp nhân dân! Biểu tình là thước đo nguyện vọng nhân dân. Thái độ đối với biểu tình là thước đo dân chủ của nhà cầm quyền. Đó là bài học mà những Ben Ali, Mubarak, Gaddafi đều không chịu học. Đến ngày cùng, Gaddafi vẫn đang tâm giết hại hằng trăm tù nhân đang bị ông ta giam giữ. Không ai mong muốn bạo lực và chiến tranh, nhưng làm sao để các nhà độc tài còn đang trị vì, còn có thì giờ học bài dân chủ, chịu chấp nhận hòa bình cải cách, chuyển đổi dần dần sang dân chủ? Điều ấy hình như nan giải?
Nhân dân Việt Nam có đủ kinh nghiệm lịch sử để nhận thức hai quan điểm trái ngược nói trên bên nào là đúng đắn, bên nào là phản ngụy. Bởi vì, trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập, chúng ta đã tiếp nhận sự giúp đỡ vũ khí từ nhiều nước để chống địch. Chúng ta cũng đã từng đưa quân tình nguyện của mình vào hai nước Campuchia, Lào giúp bạn chống ngoại xâm và các chính quyền bù nhìn. Đặc biệt, chúng ta đã đưa quân giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do một nhà nước mang tên Campuchia Dân chủ gây ra. Chúng ta hiểu sự can thiệp nào là chính nghĩa, khi sự can thiệp đó nhằm cứu nguy cho nhân dân đang ngạt thở. Chúng ta vui mừng nhìn thấy thời đại đã bước sang kỷ nguyên dân chủ, nhân quyền, một khi nhân dân vùng lên chống nhà nước độc tài sẽ không còn bị cô độc. Nhân loại không chỉ hô hào suông mà khi cấp thiết nhất đã có thể bảo vệ quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân bằng mọi phương tiện, kể cả súng!
Ngày 29 – 8 – 2011
T.V.C.