Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

ĐẠI TƯỚNG CỬA NƯỚC NON

Mùa thu này, cả nước chứng kiến tên tuổi một Đại tướng đi vào huyền thoại Đại Thọ. Và không ở đâu như Việt Nam, người dân nói đến Đại tướng lại thường nghĩ đến một con người; Võ Nguyên Giáp. Tên ông đủ rộng để đồng nghĩa với danh từ Đại tướng, mà có khi lại rộng hơn danh từ đó.
1. Một trong những bộ óc vĩ đại nhất mọi thời đại của nền quân sự thế giới hiện vẫn được nói là minh mẫn ở viện quân y 108 (Hà Nội). Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cái tên đó hiện như nguồn cảm hứng của niềm tin, sáng tạo, và đổi mới. Bộ óc siêu phàm về quân sự đó vẫn lan truyền nguồn năng lượng dồi dào của một cuộc đời binh nghiệp vĩ đại. Tên của ông với đa số 90 triệu người dân Việt Nam vẫn lan toả từng ngày giữa mùa thu vĩnh cửu. Ông đặc biệt được mọi tầng lớp nhân dân; trí thức, sĩ phu, nông dân, công nhân…yêu quý. Tên của ông như hoà vào máu thịt của hàng triệu người.
          Huyền thoại tướng Giáp vẫn được các đối thủ của ông trên thế giới dõi theo bằng nhãn quan tương kính. Và các vị tướng bị bại dưới tay ông vẫn ủng hộ ông về đường hướng tư duy một cách nể trọng. Đó là cách của những trí thức lớn nghĩ về nhau bằng trí tuệ, sự kính trọng tài năng và thừa nhận sự thật lịch sử.
          Tên tuổi của tướng Giáp trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho châu Phi, Mỹ La Tinh, và những phần còn lại của thế giới. Soi xét các nguồn lịch sử được thế giới viết ra, đến thời điểm hiện tại, không có vị tướng huyền thoại nào sống thọ như thế. Và đó chính là cách để thế giới biết rõ về nhân cách cao cả của một con người trước các biến cố thời cuộc.
          100 năm thế giới biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và muôn năm sau, huyền thoại quân sự thế giới của Việt Nam từ một làng quê nhỏ bé giữa vùng chiêm trũng Lệ Thuỷ sẽ vẫn mãi mãi nhắc đến trước thế giới không chỉ là niềm tự hào của người Việt mà đó còn là kho tàng của viễn kiến quân sự toàn cầu chiêm ngưỡng, phân tích. Sẽ có vô số sách báo viết về ông như một trong những con người vĩ đại và bình dị, cao cả và nhân văn.
2.Làng ông ở An Xá, Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Lần gần đây nhất Đại tướng về thăm quê vào ngày 25-11-2004, cả Quảng Bình vỡ oà, quê hương đón ông trong tiếng còi đoàn tàu Thống Nhất. Ông xuống ga Đồng Hới, nơi mà trước đây, lúc còn trai trẻ, ông cũng từng lên xuống để ngược xuôi Bắc Nam đi hoạt động Cách Mạng. Đến bên hàng xôi, ông hỏi người bán hàng: “O ơi, có xôi nếp lòn không?”. Năm đó ông vào tuổi 93, đã đi khắp nơi của thế giới, vậy mà không thể quên thứ xôi của loại nếp trồng ruộng sâu mà người địa phương vẫn gọi nếp lòn. Ông hỏi rồi mua một vắt xôi, người phụ nữ bán hàng nói cháu biếu ông, nhưng Đại tướng vẫn trả tiền, bà bán xôi nhìn ông rồi khóc. Bà giải thích, Đại tướng đi xa từ trẻ, vẫn nhớ đến mùi vị quê xưa, khiến ai cũng xúc động.
Năm đó ông về, phát biểu trước dân làng An Xá: “Đi khắp mọi miền đất nước, trên các chiến trường xa xôi tình cảm đối với quê hương càng thêm sâu đậm, ra đi trên bờ sông Kiến Giang, làm sao mà quên được cảnh sông núi hiền từ và hùng vĩ. Quê hương, gia đình, hun đúc lên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi…”. Nói đến đó, người làng An Xá đang vây quanh Đại tướng trong sân nhà, khóc oà. Những vị bô lão râu dài, tóc bạc cũng nước mắt nhìn Đại tướng, với họ lúc đó là Đại tướng của làng mình, của bến sông Kiến Giang, của núi non hiền từ, bình dị, lúc đó là Đại tướng của làng ông, là Đại tướng của mỗi hồn người quê hương. Đại tướng cũng lấy khăn thấm nước mắt, nhìn lại bao người bạn nhỏ thơ thuở trước, nay không còn được ai.
Với chất giọng Lệ Thuỷ, Đại tướng nói tiếp: “Ngày xưa Lệ Thuỷ phải trồng lúa su, sông nước tấp nập con cá con tôm, tôi lớn lên cùng những tháng ngày như thế, dù có đi đâu, làm gì, quê hương vẫn là nguồn cội nâng bước tôi trưởng thành”. Lời Đại tướng càng nói, người làng An Xá chân lấm tay bùn càng thương Đại tướng xa quê lâu ngày vẫn không quên bóng dáng quê hương nhỏ bé giữa điệp trùng ruộng lúa cò bay thẳng cánh.
3. Mùa thu này, trí tuệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đập chung nhịp đập đất nước. Dõi theo bao sự kiện trọng đại và đón các đoàn đại biều về mừng thọ. Làng An Xá mừng Đại tướng trường thọ 100 tuổi theo cách riêng của làng, những người già nhất của từng xóm, khăn đóng, áo dài, thắp lên bàn thờ tổ tiên những nén hương ngát thơm, báo cáo tiền nhân người con của làng, Võ Nguyên Giáp đã vào tuổi năm năm toả bóng. Ông Võ Đại Hàm, ở An Xá nói: “Người làng gọi là đại trường thọ, vì trong làng không có ai thọ như thế, đó là hạnh phúc lớn của An Xá, tự hào là quê hương Đại tướng”.
Nhưng tôi may mắn biết một cách mừng thọ Đại tướng ở phía tây dãy Trường Sơn, một cách rất riêng của đồng bào Rục (Thượng Hoá, Minh Hoá). Họ vừa rời hang đá 50 năm, nhưng những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh… được các chiến sĩ bộ đội biên phòng đồn 589 kể không ngừng nghĩ qua mấy chục năm đã in đậm trong tiềm thức đồng bào. Họ làm bữa cơm trắng, cùng ngồi lại, nghe đài, xem tivi nói về Đại tướng rồi râm ran bàn chuyện, và mong Đại tướng sống lâu. Những người Rục đi rừng họ vào hang Mà Ca, nơi mà tổ tiên người Rục từng sống, làm lễ báo cáo thần rừng, thần núi về một con người huyền thoại của đất nước, có sức “trường tồn”-theo nhận thức của người Rục, 100 tuổi là vào thế giới Trường Tồn.
4. Người A Rem cùng chung hoàn cảnh với người Rục, cũng chỉ vừa rời hang đá chưa đến 50 năm, nhưng họ vẫn biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người đứng đầu bản A Rem xã Thượng Hoá (Bố Trạch), từ đầu tuần đã mời bà con dân bản đến hội trường xã, và nói, hôm nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm chúng ta. Trình bày xong, ông lấy từ ống nứa chuốt rất đẹp hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chụp cận cảnh, mở ra cho bà con xem và nói: “Đại tướng đến thăm dân bản mình đấy”. Người A Rem ai nấy trầm trồ, rồi hỏi sức khoẻ Đại tướng, hỏi đến việc lúc nào ông trở lại ti vi. Tình cảm đó, với người A Rem là hồn nhiên như cây vẫn lớn trên rừng, như nước vẫn chảy dưới suối. Bởi với họ, từng năm, từng tháng, tên tuổi Đại tướng in đậm vào tâm trí khi nghe cán bộ kể chuyện tướng Giáp giữa đại ngàn.
Có lẻ, thú vị nữa là người Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ, miền tây Lệ Thuỷ đã tổ chức vào thăm hang Ông Giáp trên cung đường 10 nối Đông và Tây Trường Sơn. Họ vào thăm hang động mà ngày xưa Đại tướng vào thị sát tình hình chiến trường Trường Sơn. Hang động thoáng mát, là cơ sở bí mật ngày xưa của đường Trường Sơn huyền thoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vào ở và làm việc nhiều ngày ở đây vào đầu năm 1972 và giữa 1973, người Vân Kiều đặt tên là hang Ông Giáp. Nay họ vào thăm lại hang động này, những người Vân Kiều già nhất kể cho con cháu ngày trước họ được phân công bảo vệ như thế nào, và ngày nay, thăm lại hang Ông Giáp, như vẫn thấy có hơi ấm của Đại tướng đâu đây.
Mùa thu này, đồng bào Việt Nam từ cao nguyên đá Đồng Văn, đến đất mũi Cà Mau lộng gió, từ đại ngàn Tây Nguyên đến vùng duyên hải miền Trung, từ làng bản xa xôi đến biển đảo đất nước, rồi đồng bào ở nước ngoài, nơi đâu cũng mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tên của Đại tướng, đủ lớn để những ai ngưỡng mộ luôn nghĩ về Đại tướng bằng tất cả tình cảm, sự yêu thương, giửi gắm, ngưỡng vọng vô biên. Tên của Đại tướng cũng đủ lớn để những ai nghĩ đến Đại tướng cũng hiểu đó là tên của một con người nhân văn cho tất cả mọi người.