Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Suy nghĩ từ bài phỏng vấn "Liên minh quân sự nên chăng?"


Lòng yêu nước: để tuyên truyền cho hệ tư tưởng cộng sản, người ta đánh đồng lòng yêu nước chính là yêu Đảng, yêu CNXH, nên hầu hết các chương trình giáo dục từ thấp đến cao, khái niệm lòng yêu nước thuần túy được điều chỉnh làm sao có lợi cho nhà cầm quyền. 


Các hình thức yêu nước khác được xem là không chuẩn mực, thậm chí là phản động và nhiều người phải trả giá cho sự biểu hiện "lòng yêu nước lề trái" là cuộc sống sau song sắt nhà tù hay sự quản thúc khắc nghiệt. Yêu nước là quyền tối thượng của con người trên cả quyền căn bản mà Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế đã quy định. Do đó, xin đừng bắt người khác phải yêu nước giống băng nhóm ta. Người dân bình thường thể hiện lòng yêu nước khác với Nhân sỹ Trí thức, một tiếng hô "Đả đảo bè lũ bán nước, cướp nước" của chị bán nước giải khát, của anh xe ôm... cũng có giá trị yêu nước như là bản "Tuyên cáo" của các Nhà ăn học.

Áp lực của nước nhỏ: sống bên cạnh một đất nước lớn là một áp lực? điều đó có hoàn toàn đúng không? Những đất nước như Canada, Mehico, Guatamela, Honduras, Costa Rica...sống bên cạnh Hoa Kỳ là một cường quốc Thế giới mà sao không thấy họ bị áp lực? Ngay như cả nước thù địch với Hoa Kỳ là Cuba cũng không bị lưỡi bò lưỡi trâu đe dọa; ngư dân không bị cướp, giết trên biển; Venezulea thì thoải mái khai thác dầu và lếu láo chửi Mỹ. Như vậy, vấn đề không phải là ở nước nhỏ mà chính là nước lớn, nước lớn thể hiện mình là anh Hai trong gia đình hay là tên gia trưởng bá đạo.

Hàng ngàn năm nay Việt nam chưa bao giờ là đối thủ với Trung quốc, chưa bao giờ ngang tầm với Trung quốc. Nhưng chưa bao giờ bị khuất phục bởi Trung quốc. Ông Cha nhân dân Việt Nam chưa từng có liên minh quân sự nhưng nếu giặc đến nhà là đánh, không hèn hạ khiếp nhược van xin hòa bình. Chúng ta phải đặt câu hỏi: khi đất nước lâm nguy, nhà cầm quyền chọn giải pháp nào? chiến đấu bảo vệ đất nước hay hòa hoãn để bảo vệ quyền lực và quyền lợi nhóm?

Việt Nam không cần liên minh?: cộng đồng ASEAN là cái gì? đây là có phải là liên minh? Xin thưa, cộng đồng còn cao hơn cả liên minh về mặt pháp lý và xã hội. Do đó, nói rằng Việt Nam không cần liên minh là không chính xác. Khi gọi là đồng minh, liên minh có nghĩa là sống chết có nhau. Nhưng thử hỏi, cách mà những người tiền nhiệm thể hiện với Trung quốc, Liên Xô...thì có ai dám đặt vấn đề để liên minh không? Hoa Kỳ ký hiệp ước đồng minh với Phillipine cách đây vài mươi năm, nay Philiipine có chuyện Hoa Kỳ lên tiếng, viện trợ vũ khí ngay. Như vậy mối lợi ích Phi-Mỹ cao hơn Mỹ-Trung? hay ngược lại.

Muốn liên minh với Hoa Kỳ đâu phải là chuyện dễ dàng? anh sẽ bị đặt câu hỏi: thể chế chính trị của anh như thế nào? dân chủ hay độc tài? anh tôn trọng nhân quyền đến đâu? Ngay cả người dân của anh, anh còn không tôn trọng, không khoan dung thì há gì đến ngoại bang chúng tôi? Hoa Kỳ rất cần liên minh, càng đông càng tốt vì bạn nhiều hơn thù vẫn tốt hơn là điều ngược lại, nhưng liên minh với kẻ "đu dây" thì có nên không? Do đó liên minh hay không chính là thái độ của nước nhỏ trước sự xét duyệt của nước lớn, nên xem lại cái dây mình đu có đảm bảo gió bảo cấp 13 không?

Tiếng nói của người dân trong chế độ độc tài: không phải tất cả nhân dân Đức đều ủng hộ sự hiếu chiến của Hitle. Nhiều người đã phản kháng và bị giết chết, cầm tù, họ quên rằng đang sống trong một chế độ độc tài. Khi quyền lực tập trung trong tay một người hay một nhóm người thì tiếng nói người dân là cái đinh gì? Lịch sử đã chứng minh qua thời gian như vương triều phong kiến Tần Thủy Hoàng; Vương triều đế quốc xâm lược Anh, Hà lan, Tây Ban Nha, Pháp...; chế độ phát xít Hitle; chế độ cộng sản Liên Sô, Ba Lan, Nam tư, Trung quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba...; diệt chủng Khomer cộng sản (đỏ), tiếng nói người dân là cái cớ để đưa họ vào mồ chôn tập thể hay ngồi sau cánh cửa nhà tù?

Xin đừng làm gì để cho người dân Trung hoa hiểu thêm sự chính nghĩa của Việt Nam trong việc tranh chấp biển Đông. Nhân dân Trung hoa hiểu nhưng họ không thể lên tiếng vì khi họ lên bênh vực Việt Nam thì họ có thể bị chụp mũ là "thế lực thù địch", "phản động" hay là "gián điệp" của nhà cầm quyền độc tài.

Truyền thông trong chế độ độc tài: các thông tin đến với người dân trong chế độ độc tài thường là đã được định hướng từ cấp cao đến thấp. Cái mà người ta gọi là "đồng thuận" chỉ là cái áo của các thầy tu hổ mang mặc vào để che dậy những chuyện làm bất chính. Không có sự phản kháng, một là nghe hai là bị loại. Nhưng nhu cầu con người là vô hạn, bên cạnh 700 tờ báo giấy, trang mạng của lề phải thì cũng có hàng ngàn trang blog, trang báo điện tử lề trái. Cuộc cách mạng truyền thông đã phá tan bức tường bưng bít. Không thể xây Paris trong một giờ, tuy nhiên có thể lập một trang blog trong một giờ, là thêm một nhát búa đập tan bức tường đói nghèo, lạc hậu, phi dân chủ, phi nhân quyền...mà các thế lực hắc ám dựng lên, những thế lực chỉ mong khom lưng mà không hề muốn đứng thẳng.

Sài gòn, 12/7/2011. 

Nguyễn Bắc Truyển
gửi Dân Làm Báo