Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã nổi tiếng đặc biệt kể từ khi ông kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quyết định cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên, một dự án bị chỉ trích là gây nhiều tác hại về kinh tế, môi trường và an ninh quốc gia. Trước khi bị bắt vào tháng 11 năm ngoái, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng đã kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nghị định cấm khiếu kiện tập thể.
Vụ xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã gây phản ứng mạnh trong dư luận, vì trong vụ án này ngay từ đầu đã có nhiều sự vi phạm luật tố tụng hình sự, với những tội danh ngụy tạo. Ngay sau phiên xử sơ thẩm, gần 2.000 người đã ký tên vào bản kiến nghị đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam. Trong số những người ký tên có nhiều vị cách mạng lão thành, cựu sĩ quan, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ. Bản kiến nghị đòi « xóa bỏ kết quả của phiên tòa sơ thẩm, xóa bỏ vụ án và trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ. »
Nhiều người ký tên vào kiến nghị sau đã bị công an Việt Nam hù dọa, sách nhiễu. Trong một lá đơn đề ngày 29/6, gởi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Toà án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, bà Cù Thị Xuân Bích, em gái của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tố cáo việc công an Việt Nam đã đến từng nhà riêng của những người ký tên để đe doạ đuổi việc, bắt bớ, truy tố, đồng thời tung tin « bịa đặt » về tư cách của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Nhiều chính phủ phương Tây, cũng như nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng phản đối vụ xử Cù Huy Hà Vũ và đòi trả tự do cho ông. Riêng Human Rights Watch ngày 26/5 đã ra hẳn một báo cáo về vụ án Cù Huy Hà Vũ, người mà tổ chức này xem như là một « biểu tượng, một thách thức về nhân quyền chưa từng có đối với chính quyền Việt Nam».