10-7-2011
Bom nguyên tử dội xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8 năm 1945 đã khiến Thế chiến II tiến nhanh tới hồi kết. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Mỹ lại cảm thấy mối đe dọa từ một kẻ thù khác. Không phải một sức mạnh quân sự mà là một hệ tư tưởng: chủ nghĩa cộng sản.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, các cựu đồng minh thời chiến tranh của Mỹ, Liên Xô, đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu. Cộng sản Trung Quốc đã làm tương tự ở Đông Nam Á.
Nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản đã chuyển từ vấn đề chính trị thứ yếu sang vấn đề thảm họa toàn cầu vào tháng 8 năm 1949, khi Liên Xô cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của mình. Khi Mỹ và Liên Xô thi nhau xây dựng các kho hạt nhân lớn, người Mỹ đã thiết lập các điểm trú bom và học cách trụ vững trước một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng. Các nhà lãnh đạo Mỹ thề sẽ làm chậm lại hoặc chặn đứng sự bành trướng của cộng sản ở bất cứ nơi nào nó xuất hiện.
Tổng thống Harry Truman vội vã trấn an các đồng minh ở Tây Âu rằng, Mỹ sẽ bảo vệ họ trước sự xâm lăng của Liên Xô. Khi quân đội Bắc Triều Tiên được Liên Xô ủng hộ, định tàn phá nền dân chủ còn non yếu ở Hàn Quốc, lính Mỹ đã dẫn đầu các lực lượng Liên Hiệp Quốc tham chiến trong những năm 1950-1953 để giữ cho Hàn Quốc tự do độc lập. Gần 37.000 người Mỹ đã chết trong nỗ lực này.
Cùng lúc, Pháp ra sức nắm giữ thuộc địa cũ của mình ở Việt Nam vốn đã để mất vào tay Nhật trong thời kỳ Thế chiến II.
Ngay sau khi lực lượng cộng sản Bắc Việt đẩy lui Pháp khỏi Việt Nam vĩnh viễn sau trận Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954, các thành viên của Công ước Geneva nhất trí chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Việt Minh cộng sản. Miền Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu.
Hiệp định Geneva tuyên bố các cuộc bầu cử trên toàn quốc sẽ được tổ chức vào năm 1956 để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử đó chưa bao giờ xảy ra.
Thay vào đó, một cuộc nổi dậy của những người cộng sản, do Việt Minh lãnh đạo, đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã bắt đầu các cuộc tấn công du kích chống lại miền Nam. Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower cam kết sẽ bảo vệ miền Nam, và vào tháng 1 năm 1955, chuyến hàng viện trợ đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam. Vài tháng sau đó, Hồ Chí Minh đồng ý nhận viện trợ từ Liên Xô.
Trong 4 năm sau, lực lượng miền Bắc tăng cường tấn công du kích chống lại miền Nam. Năm 1959, Hồ Chí Minh tuyên bố một “cuộc chiến tranh nhân dân” nhằm thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của cộng sản. Vào lúc đó, hơn 300 cố vấn quân sự Mỹ đang giúp đỡ quân đội miền Nam. Công việc rất khó khăn và nguy hiểm.
Ngày 8 tháng 7 năm 1959, hai cố vấn Mỹ, thiếu tá Dale Buis và Trung sĩ Chester Ovnand, bị du kích miền Bắc giết chết. Tên của họ được khắc đầu tiên trên Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam ở Washington, D.C., xác nhận họ là hai người chính thức tử trận đầu tiên về điều mà người Mỹ biết đến là Cuộc chiến Việt Nam.
Chỉ vài tháng trước, nỗi lo sợ về sự xâm lăng của cộng sản trên toàn cầu thậm chí còn tiến sát hơn khi ngày 3 tháng 1 năm 1959, nhà cách mạng theo chủ nghĩa Mác, Fidel Castro, giành quyền kiểm soát Cuba và nhanh chóng quay sang nhờ Liên Xô giúp đỡ.
John F. Kennedy đắc cử Tổng thống tháng 11 năm 1960. Trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết sẽ ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Nhưng trước tiên, ông phải xử lý mối đe dọa sát sườn hơn: Cuba.
Ba tháng sau khi nhậm chức, Kennedy cho phép xâm lược Cuba bằng một nhóm người Cuba lưu vong được CIA đào tạo, nhưng hầu như không có kinh nghiệm chiến đấu. Cuộc xâm lược này diễn ra ở Vịnh Con Lợn và trở thành thảm họa khi bị lực lượng của Fidel Castro đập tan trong ba ngày.
Một Kennedy chán nản tuyệt vọng chống cự lại chủ nghĩa cộng sản. Ông quyết định tập trung các nỗ lực của mình vào nơi cách xa nửa vòng trái đất, cách xa người dân và báo chí Mỹ.
Vào tháng 5 năm 1961, Kennedy gửi 400 cố vấn thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Mũ nồi xanh tới Việt Nam để huấn luyện quân đội miền Nam chiến đấu chống du kích miền Bắc.
Sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam lúc bấy giờ là không thể thay đổi được.
Người dịch: Trúc An
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011