Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Lễ tưởng niệm và một lời khuyên

Nguyễn Thị Khánh Trâm
clip_image002
Bà Huỳnh Thị Sinh (áo tím), quả phụ của Liệt sỹ Nguỵ Văn Thà
Số nhà 43 Nguyễn Thông Q.3 TP HCM sáng hôm nay 27/7/2011 đã diễn ra Lễ tưởng niệm 64 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ Việt Nam và tưởng niệm đồng bào chiến sỹ hy sinh bảo vệ biên cương. Cái lý do có buổi lễ này ngoài việc tri ân các người con đã hy sinh vì MẸ VIỆT NAM, không phân biệt màu cờ, chiến tuyến, thời gian hay địa điểm nằm xuống của các anh mà còn là lúc cần thiết phải hâm nóng lại tình yêu quê hương đất nước và cũng để nhận thức lại tình yêu tổ quốc trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đầy nguy nan hôm nay: Đó là cái tình thế chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang rình mò, gây hấn hòng chiếm lĩnh Biển Đông của nước ta.

Sau lễ chào cờ là giây phút mặc niệm các anh, các chị. Tiếp đó là những người tham dự lần lượt lên dâng hương. Mỗi người một nén nhang - nén nhang tri ân.
Bài Quốc ca hôm nay gây xúc động lạ thường, đặc biệt câu cuối của bài hát: “Tiến lên, cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền”. Nhạc sỹ Văn Cao tài ba đã tiên tri từ hơn nửa thế kỷ trước rằng muốn có một tổ quốc vững bền - trọn vẹn lãnh thổ thì phải: “Tiến lên, cùng tiến lên…”. Đây cũng chính là lời nhắc nhở những người con đất Việt hôm nay.
Lễ tưởng niệm đã được đông đảo nhân sỹ, trí thức, nhân dân tham dự: GS Nguyễn Đình Đầu, GS Tương Lai, NNC Lữ Phương, ông Lê Hiếu Đằng, ông Tống Văn Công, BS Huỳnh Tấn Mẫn. Các nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Duy, Lưu Trọng văn… Đặc biệt là sự có mặt của chị Huỳnh Thị Sinh vợ anh Ngụy Văn Thà, người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong cuộc giao chiến không cân sức với hải quân TQ năm 1974.
Lễ tưởng niệm những người nằm xuống, nếu như có thế giới bên kia, thì vong linh của các anh chị sẽ thấy ấm lòng khi những dòng suy nghĩ, những sẻ chia… cùng cất lên vào buổi sáng ngày hôm nay. Đó là những câu nói tâm huyết của GS, nhà sử học cao tuổi Nguyễn Đình Đầu: “Chúng ta cùng chung một mảnh đất quê hương. Máu đồng bào đã đổ ra để góp phần gìn giữ và bảo vệ đất nước này. Chúng ta xin chân thành tri ân và tôn vinh tất cả. Chúng ta còn tưởng niệm mọi anh hùng, đồng bào đã hy sinh vì tổ quốc ở bên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, Hoàng Sa – Trường Sa hầu như đang bị lãng quên. Việc làm của chúng ta xuất phát từ trái tim để đòi lại công bằng trong bối cảnh đất nước đang bị đe dọa xâm lược…”.
Của GS Tương Lai: “Máu của Việt Nam vẫn đang chảy trên Biển Đông. Máu của bao thế hệ Việt Nam đã tưới đẫm từng thước núi, tấc sông của tổ quốc từ thưở vua Hùng dựng nước cho đến tận hôm nay. Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đã không cam chịu một nước Việt nam thống nhất và hùng mạnh làm cản trở tham vọng nuốt trọn Biển Đông và tràn xuống ĐNA như xưa kia cha ông chúng đã từng theo đuổi. Hôm nay chúng ta có mặt tại đây để cùng đồng bào cả nước nghiêng mình trước anh linh những người đã bỏ mình vì sự toàn vẹn của đất nước…”.
Của ông Lê Hiếu Đằng: “Trước việc Trung Quốc gây hấn, thế mạnh của chúng ta là lòng dân, là quốc tế chứ không phải chỉ là mua tàu, mua súng đâu. Tôi không thể hiểu nổi, an ninh không bảo vệ những người biểu tình mà lại đàn áp. Chúng tôi cực lực lên án việc này. Tôi đề nghị: Không có bất kỳ một lý do nào để ngăn chặn biểu tình. Tôi chỉ mong các cuộc biểu tình được các anh an ninh bảo vệ. Bây giờ chúng ta muốn ổn định chính trị bằng lòng dân hay là bằng lực lượng cảnh sát, công an? Cái nào bền vững, cái nào lâu dài? Chúng ta phải thấy rằng: Lòng dân là quyết định. Ai nắm được dân thì người đó sẽ chiến thắng. Chúng tôi khẳng định, bằng hình thức này, hình thức kia, có những hoạt động để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.
Của nhà thơ Nguyễn Duy: “Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”.
Của nhà báo Lưu Trọng Văn: “…Mẹ Việt Nam ơi! Giọt nước mắt của Người trắng trong mặn chát/ Sẽ hóa giải mọi sắc cờ/ để đồng bào mình/ Ngẩng cao đầu Đại Việt hùng mạnh, tự do/ Sông núi hồn thiêng Tụ Nghĩa, Tụ Nhân đâu phải lời bọt mép/ Không thể nào khác được/ Lịch sử phải sang trang!”.
Kết thúc buổi tưởng niệm - một buổi tưởng niệm “uống nước nhớ nguồn” là lời chia sẻ của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Anh cất những lời đầy tâm trạng: “Ở đây có rất nhiều an ninh. Ban nãy có một số anh cũng gặp tôi. Các anh cứ làm việc của các anh, nhưng tôi chỉ muốn nói điều này: Ban nãy chúng tôi thắp hương cho các liệt sỹ, các anh nên ra thắp hương cho các liệt sỹ cùng chúng tôi”. Vẫn biết xã hội phân công mỗi người mỗi việc, nhưng không hiểu sao lời khuyên của người thi sỹ đầy ám ảnh… mặc dù không dành cho mình.
clip_image004
Tác giả (phải) và nhà thơ Đỗ Trung Quân (trái)

N.T.K.T