Quyết định tái mở cửa Vịnh Cam Ranh
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc về Biển Đông ngày càng leo thang, Việt Nam đã quyết định cho các tàu chiến nước ngoài vào đóng quân ở Vịnh Cam Ranh.Với vị trí địa lý và điều kiện thuận lơi, Vịnh Cam Ranh được xem là một trong những cảng biển có vị trí chiến lược quan trọng nhất Châu Á. Đây cũng là nơi Hải quân Mỹ đã từng đồn trú trong thời kì chiến tranh Việt Nam và là căn cứ hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Kể từ sau năm 1979, Hải quân Nga vẫn trụ lại nơi này với mục đích chính là thăm dò hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Sau khi Nga rút quân khỏi Vịnh Cam Ranh vào năm 2002, chính quyền Việt Nam tuyên bố sẽ không để một lực lượng quân sự nước ngoài nào vào đóng quân và kiểm soát khu vực này.
Tuy nhiên, trong năm 2010 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ cho phép tàu quân sự nước ngoài sử dụng Vịnh Cam Ranh trên cơ sở kinh doanh, thương mại.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Úc, ông Ben Bland – phóng viên chuyên trách các vấn đề Việt Nam của tờ Finacial Times, giải thích: “Theo quyết định này, hải quân của các nước có thể vào tạm trú tại Vịnh Cam Ranh để sửa chữa tàu bè, nạp nguyên liệu… Đây là quyết định vô cùng quan trọng vì vịnh Cam Ranh được cho là một trong những cảng biển tốt nhất Đông Nam Á và có thể bảo vệ cho các tàu bè khi biển động. Hơn thế nữa, cảng này nằm ở một vị trí địa lý chiến lược quan trọng, gần với các đảo và vùng biển trong khu vực tranh chấp”.
Bên cạnh đó, ông Ben Bland cho biết, việc mở cửa Vịnh Cam Ranh sẽ là một nhân tố góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trì trệ hiện nay. Ông Bland lấy Singapore làm ví dụ điển hình khi nước này mở cửa các cảng biển cho Hải quân Mỹ, Nhật , Thái Lan… và đem đến cho Singapore 30 triệu đô-la mỗi năm.
Các chuyên gia phân tích an ninh nhận định, ngoài mục đích kinh tế, quyết định mở Vịnh Cam Ranh của chính phủ Việt Nam là nhằm cân bằng quyền lực của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trước câu hỏi về phản ứng và thái độ của người dân Việt Nam trước quyết định mở cửa một nơi được xem là biểu tượng của chiến tranh, ông Ben Bland cho biết: “Những người tôi trò chuyện đều ủng hộ quyết định này mặc dù họ cũng rất lo sợ trước ý nghĩ lực lượng quân sự nước ngoài đang quay trở lại Việt Nam. Chính quyền cũng phải rất khó khăn trong việc làm rõ với người dân rằng việc mở cửa vùng vịnh này không phải nhằm mục đích cho thuê cơ sở quân sự mà chỉ là cho phép hải quân nước ngoài đồn trú. Tôi nghĩ chính phủ và người dân Việt Nam đã nhận ra họ đang đối mặt với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Vì thế, Việt Nam cần phải có nhiều đối tác và đồng minh quốc tế hơn nhằm cân bằng với sự lớn mạnh của Trung Quốc”.
Nước nào sẽ đóng quân tại Vịnh Cam Ranh?
Trước quyết định mở cửa Vịnh Cam Ranh của chính quyền Việt Nam, Nga và Mỹ vẫn được xem là hai nước quan tâm và có khả năng sẽ đưa quân vào vịnh này nhất.Một lãnh đạo quốc phòng cấp cao tại Châu Á cho rằng Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên nắm lấy cơ hội đóng quân tại Cam Ranh. Hơn thế nữa, ông nói: “Mỹ có hạm đội Thái Bình Dương luôn túc trực trong khu vực với mong muốn được hợp tác sâu sắc hơn với Việt Nam nhằm kìm chế sự vươn lên của Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, phóng viên Ben Bland cho biết Hải quân Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc… cũng có thể đến đóng quân tại Vịnh Cam Ranh bởi vì các nước này đều muốn dễ dàng tiếp cận được những tuyến đường hàng hải quan trọng về thương mại và chiến lược trên Biển Đông. Bên cạnh đó, các nước muốn góp phần kìm hãm sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, nước này mới xây dựng một căn cứ tàu ngầm tầm cỡ ở đảo Hải Nam cùng với việc phát triển tên lửa chống đạn.
Nhận xét về phản ứng của Trung Quốc trước quyết định mở cửa Vịnh Cam Ranh của Việt Nam, phóng viên Ben Bland cho biết phía Trung Quốc chưa có một động thái nào cụ thể. Tuy nhiên, trong quá khứ, Trung Quốc từng tỏ ra bất hòa về việc một lực lượng đông đảo Hải quân Nga đóng tại Vịnh Cam Ranh. Chắc hẳn Trung Quốc sẽ không mấy vui vẻ khi có quá nhiều quân đội nước ngoài đồn trú tại khu vực biên giới lãnh hải của nước mình.
http://chutungo.wordpress.com/