Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Vụ chìm tàu trên sông Sài Gòn: Bến tàu “lậu” vẫn hoạt động suốt 5 năm


Cơ quan quản lý gọi bến tàu của Khu du lịch xanh Dìn Ký (Bình Dương) là bến "lậu", nhưng không hiểu vì sao nó vẫn tồn tại và hoạt động hơn 5 năm nay, dẫn đến tai nạn thảm khốc làm 16 người thiệt mạng vào tối 20.5?

Sở GTVT: "Đã đình chỉ nhiều lần"
Hôm qua 23.5, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động bến du thuyền của Khu du lịch xanh (KDL) Dìn Ký (xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An).
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: "Vụ chìm tàu Dìn Ký là tai nạn bất khả kháng. Sau khi hoàn thành công tác cứu hộ, tỉnh đề nghị làm rõ trách nhiệm các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên quan trong việc kiểm tra hoạt động đường thủy để xảy ra tai nạn thương tâm này. Trách nhiệm đơn vị nào đến đâu sẽ xử lý đến đó".
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Thanh Niên vào sáng qua, ông Đàm Trọng Cường, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Dương, tái khẳng định: "Đây là bến khách lậu do cơ sở tự mở ra. Trước đây, DN làm thủ tục xin mở bến sông du lịch, nhưng do khu vực này quá nguy hiểm và không đủ điều kiện nên Cảng vụ 3 (Cục Đường sông) không đồng ý. Tuy nhiên KDL Dìn Ký vẫn cố tình cho du thuyền ra vào bến để đưa đón khách trong nhiều năm qua".
Liên quan đến trách nhiệm trong vụ chìm tàu, ông Cường cho rằng: "Sở GTVT Bình Dương đã nhiều lần lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt và đình chỉ hoạt động của bến tàu nhưng chủ DN không chấp hành. Chúng tôi không thể nằm ở bến sông để canh họ được".
Dìn Ký: "Chưa hề..."
Tối qua, ông Châu Hoàn Tâm (chủ DNTN Dìn Ký tại Bình Dương) đã trực tiếp liên hệ với PV Báo Thanh Niên để trao đổi một số thông tin liên quan đến vụ chìm tàu.
Mở đầu, ông Tâm nhận hoàn toàn trách nhiệm đã để xảy ra thảm họa: “Tôi xin gửi đến các nạn nhân lời chia buồn sâu sắc nhất và chịu mọi trách nhiệm về vụ này”.
Theo ông Tâm, hôm xảy ra vụ chìm tàu, do lái tàu chính bị bệnh, quản lý tàu là La Văn Quang đã điều tài công Lê Văn Đức (cả 2 đang bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ hình sự - PV) lên điều khiển. Mặc dù không có giấy phép hợp lệ, nhưng Đức vẫn điều khiển tàu ra sông nên đã xảy ra hậu quả thảm khốc.
Tại buổi làm việc, phía Dìn Ký cung cấp 2 bản photo chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa. Hồ sơ cho thấy, con tàu bị chìm có chiều dài 23,5m, rộng 4,6m, phần chìm 0,84m, tổng công suất máy 80 CV và đã hết hạn đăng kiểm vào ngày 28.1.2011 (các loại giấy tờ không thể hiện chiều cao và số tầng của tàu).
Ông Tâm cho biết: "Chiếc tàu này do tôi tự thuê người đóng và thiết kế 2 tầng nguyên bản từ năm 2008 cho đến nay. Không hề thay đổi kiểu dáng thiết kế so với đăng ký, đăng kiểm ban đầu. Ngoài ra, con tàu đã được mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm nhân mạng cho toàn bộ hành khách theo quy định".
Vì sao không làm thủ tục kiểm định mới? Ông Tâm cho rằng: "Do nhân viên quản lý... quên”.
Đối với việc lập bến lậu cũng như nhiều lần bị cơ quan quản lý lập biên bản, xử phạt về lỗi mở bến không phép và phương tiện hoạt động chưa đảm bảo yêu cầu, ông Tâm thừa nhận: Dìn Ký mở bến chưa được cấp phép và nhiều lần đã bị xử phạt.
Riêng việc bị "đình chỉ nhiều lần" bến tàu, ông Tâm khẳng định: "Từ trước đến nay, chưa có một văn bản nào yêu cầu đình chỉ hoặc đóng cửa hoạt động của bến tàu tại Dìn Ký".

Kim Cương