.
(GDVN) - Những ngày qua, cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" của GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) và PGS.TS Phạm Hồng Tung (ĐHQGHN) chủ biên (do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản), đã dấy lên một làn sóng dư luận về sự bất hợp lý trong cách lựa chọn các nhân vật điển hình. Cuốn sách đã xếp TGĐ cà phê Trung - ông Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cạnh nhiều vĩ nhân Việt Nam và thế giới như Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh, Bill Gate, Albert Einstei…
Sau cả tháng bới tung tư liệu, Báo Giáo dục Việt Nam đã có một phát hiện sửng sốt: Cuốn sách được coi là nhánh của công trình khoa học cấp Nhà nước này đã đạo văn hàng chục trang. Cái mác khoa học to đùng
Nếu chỉ đọc lời mở đầu cuốn sách in cũng như phần giới thiệu trên trang web của Nhà xuất bản chính trị Quốc gia – Sự thật, thì công trình nghiên cứu này quả là hết sức nghiêm túc và nặng ký: “Cuốn sách là công trình khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới thuộc các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế, kinh doanh; khoa học và công nghệ. Qua đó, làm sáng tỏ về con đường hình thành và bộc lộ tài năng, quá trình phát triển nhân cách tài năng và việc tài năng của các cá nhân đó được sử dụng như thế nào…”.
Tưởng như, việc đưa vào cuốn sách rất nhiều danh nhân đã và đang trở thành một phần của lịch sử của đất nước và nhân loại (Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh, Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Chulalongkorn, Albert Einstein, Thomas Alva Edison, Bill Gates) dường như đã chứng tỏ tham vọng và tính nghiêm túc của công trình này.
Nhưng không phải, giữa những nhân vật lẫy lừng đó, lại có sự xuất hiện đến khó hiểu của doanh nhân trẻ tuổi Đặng Lê Nguyên Vũ. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì sóng gió về cuốn sách cũng có thể chìm lắng, dù dư luận hết sức bất bình.
Copy trắng trợn
Cuốn "Nhân tài và đắc dụng", được chia ra làm 3 phần, phần 1, giới thiệu nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý (gồm 5 nhân vật); phần 2, giới thiệu nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (gồm 4 nhân vật); phần 3 giới thiệu nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh (gồm 5 nhân vật).
Cuốn sách này chính là một công trình nhánh của một công trình khoa học cấp nhà nước. Và như vậy, tính khoa học phải rất cao. Hơn nữa, để phân tích cho được quá trình hình thành và phát triển nhân cách tài năng, sự nghiệp của những nhân vật góp phần thay đổi lịch sử đất nước và thế giới, chắc chắn đòi hỏi những nghiên cứu công phu, nghiêm túc và những phát hiện khoa học đáng kể.
Tuy nhiên, trong số 4 bài viết nhân vật tiêu biểu trên thế giới, nếu ai hay đọc sách báo đều có thể nhận ra, có đến 3 bài viết nhiều đoạn coppy nguyên văn từng câu từng chữ. Đặc biệt, bài viết về nhà vật lý học được tổng hợp từ chương 1, chương 2 của cuốn sách "Vũ trụ trong một vỏ hạt" của tác giả Stephen Hawking được dịch ra tiếng Việt bởi dịch giả Dạ Trạch, xuất bản tại Việt Nam năm 2001 và bài viết về doanh nhân tài ba Bill Gates được tổng hợp từ loạt bài “Bill Gates - đằng sau một ngai vàng”.
Đó là 10 trang (từ trang 126 đến trang 135) của “tài năng và đắc dụng” giống y hệt bài viết trong cuốn "Vũ trụ trong một vỏ hạt" (do tác giả Dạ Trạch dịch cách đây 8 năm đã được đưa lên mạng internet). Suốt 10 trang này, tác giả “tài năng và đắc dụng” chỉ viết khác cuốn sách dịch kia ở vài chữ như ête và ê-te, "giả thiết" và "định đề" và một số từ bị cắt bớt trong chương 1 cuốn sách “Vũ trụ trong một vỏ hạt”.
Chưa hết, trang 134 đến trang 136 trong cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" cũng coppy nguyên bản trong chương 1 của cuốn sách "Vũ trụ trong một vỏ hạt" trang 19-20-21.
Còn một số đoạn khác cũng được chép nguyên văn, không thay đổi từ một dấu chấm câu, trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể đưa ra hết được. Chỉ có thể nhận xét rằng, cả bài viết về Albert Einstein trong cuốn sách "Nhân tài và đắc dụng" đều tổng hợp và cắt gọt từ trong chương 1, chương 2 của cuốn sách "Vũ trụ trong một vỏ hạt".
Công trình nghiên cứu về Bill Gates: Báo Tuổi trẻ “nghiên cứu” hộ
Mục Nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh của “Tài năng và đắc dụng”, phần nghiên cứu về nhân vật Bill Gates, cũng chỉ là việc trích toàn bộ các bài báo đã đăng trên báo Tuổi trẻ (Đó là loạt bài "Bill Gates - Đằng sau một ngai vàng" do nhóm FIRST NEWS biên dịch được đăng trên báo Tuổi trẻ vào năm 2004. Sau loạt bài này, cuốn sách "Đằng sau một ngai vàng - Những âm mưu hủy diệt Bill Gates" đã được Nhà xuất bản Trẻ phát hành). Tức là, nếu có tí chút giá trị nghiên cứu nào đó, thì nó thuộc công sức của Báo Tuổi trẻ chứ không phải của hai tác giả cuốn sách..
.
|
Phần giới thiệu về cuốn sách trên trang web của Nhà xuất bản chính trị
Quốc gia – Sự thật |
Trong bài viết: "Bill Gates, biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức" của “Tài năng và đắc dụng”, từ trang 291 đến trang 293 hoàn toàn giống bài 4 của loạt bài "Bill Gates - Đằng sau một ngai vàng" đăng trên trang web: http://tuoitre.vn/The-gioi/Ho-so/55536/Bill-Gates---dang-sau-mot-ngai-vang-ky-4-Duoi-theo-uoc-mo.html:
Ngay cả phần "Từ thiện" ở mục 5 của cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" cũng hầu như được chép lại nguyên trong bài "Tiểu sử Chủ tịch tập đoàn Microsoft" đăng tải trên trang web Vietbao.vn ngày 25/3/2006 (lấy lại từ Microsoft Việt Nam), chỉ rút gọn lại ở một số câu từ và chỉ khác có 2 số liệu là số tiền được quyên góp làm từ thiện của vợ chồng Bill Gates.
Khoa học là nghệ thuật trích dẫn và cắt cúp?
Trong phần cuối cùng ở mục 6: Đối đầu với pháp luật tại trang 299 của cuốn sách "Tài năng và đắc dụng", đã copy từ đầu đến cuối trong bài thứ 9 của loạt bài "Bill Gates - Đằng sau một ngai vàng được đăng trên báo Tuổi trẻ online từ năm 2004. (Chỉ có một vài động từ được các tác giả trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” dùng từ nhẹ nhàng hơn, văn viết hơn mà thôi).
Dù phần này, tác giả có ghi rõ nguồn trích dẫn được lấy trên báo Tuổi trẻ online, nhưng câu hỏi ở đây là: Trích dẫn gần như toàn bộ như vậy thì tính nghiên cứu của một công trình khoa học ở đâu? Ngoài ra, còn một số đoạn trong bài “Bill Gates, biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức” cũng được tổng hợp, biên tập lại, trích ý từ loạt bài “Bill Gates - đằng sau một ngai vàng”.
Bên cạnh việc lấy từ câu chữ đến ý tứ của những tác phẩm trên, bài viết về "Thomas Ava Edison - Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ XIX", dù tài liệu tham khảo được trích dẫn từ trang web: Thomas Edison, http://vietsciences.org, nhưng rất nhiều đoạn dài, tác giả đã bê nguyên văn phong trong Vietsciences-Phạm Văn Tuấn mà không hề chỉnh sửa hay biên tập lại, hoặc có đoạn chỉ thêm thắt vào một vài câu như đoạn từ trang 142 đến trang 145.
Còn rất nhiều đoạn dài trong bài viết “Thomas Alva Edison, Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ XIX” của “Tài năng và đắc dụng” đã có công copy nguyên bản hoặc cắt ngắn lại từ trang http://vietsciences.org, như những đoạn "phát minh ra máy hát", "Phát minh ra đèn điện", "Phát minh ra máy chiếu bóng"...
(Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho độc giả)
Mai Khôi – Thanh Nguyên
Mời thảo luận: Quý độc giả nghĩ gì về sự việc này? Hãy gửi ý kiến cho chúng tôi bằng cách gửi mail đến địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn
hoặc gõ vào ô thảo luận dưới đây. Trân trọng cảm ơn!
Theo: http://xuandienhannom.blogspot.com/