Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Bầu cử Quốc Hội dưới cái nhìn của giới Bloggers

Thanh Quang, phóng viên RFA: Các Bloggers nhận định như thế nào về cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam khóa XIII sắp diễn ra.

Đảng cử dân bầu?

Thưa quý vị, theo kế hoạch thì vào Chủ Nhật 22 tháng Năm này, cử tri cả nước VN sẽ làm nhiệm vụ công dân, mà nói theo kiểu thơ Bút Tre:
“Mừng ngày bầu cử tự do,
Những ai xứng đáng thì cho vào hòm.”

Giữa lúc không khí gọi là “hồ hởi, phấn khởi” sắp diễn ra khắp nước trong 5 ngày nữa, qua Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN, nhà báo Phạm Trần có cái nhìn xem chừng như không lạc quan qua bài tựa đề “Quốc Hội Bầu Ai, Làm gì ?”:
UBMTTQVN cũng không công bố công khai việc xem xét số ứng cử viên ĐBQH khóa XIII này có Đại biểu nào có “thành tích tham nhũng” và “kiên quyết chống tham nhũng” hay không.
Blog 360 LP
“Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp của nhà nước Cộng sản Việt Nam bầu ra ngày 22 tháng 5 năm 2011 sẽ không giúp ích gì cho chủ trương xây dựng đất nước để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như nhà nước tuyên truyền là do “sự lãnh đạo đúng đắn của đảng”.Tại sao như thế? Bởi vì những căn bệnh kinh niên như: “Nguy cơ tham nhũng; bệnh quan liêu, dân chủ hình thức; bệnh thành tích, báo cáo không đúng sự thực” như Tạp chí Xây dựng Đảng nêu ra ngày 20-10-2010 vẫn còn được cử tri gay gắt phản ảnh với các ứng cử viên Quốc hội trong các cuộc tiếp xúc bắt đầu từ ngày 3/5 trong cả nước.”

Nói đến quốc nạn tham nhũng, thì Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội VN quy định rằng các nhà lập pháp VN phải “có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật”.

Nhưng, theo Blog 360 Luật Pháp:
“Qua các lần hiệp thương ứng cử vào ĐBQH vừa qua do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, không thấy cơ quan này công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc kê khai (minh bạch) tài sản của tổng số ứng cử viên ĐBQH khóa XIII này (!!!). Đồng thời, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không công bố công khai việc xem xét số ứng cử viên ĐBQH khóa XIII này có Đại biểu nào có “thành tích tham nhũng” và “kiên quyết chống tham nhũng” hay không. Nếu không có sự công bố trên thì chắc chắn số ứng cử viên được cử tri cả nước đi bầu trong ngày 22/5/2011 tới đây sẽ bị bưng bít thông tin không biết ai đủ hoặc thiếu điều kiện mà Điều 3 của Luật bầu cử ĐBQH đã quy định; xét một cách cụ thể theo Điều 3 của Luật này là không hiểu hoặc không biết ứng cử viên ĐBQH nào hội đủ “những tiêu chuẩn” quy định tại khoản 2; nếu đúng thế thì đương nhiên các “ông, bà nghị gật” tương lai chưa xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.”

000_Hkg4883397-200.jpg
Pano chào mừng Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII ở Hà Nội, ảnh chụp 11-05-2011. AFP photo.
Blogger Nguyễn Hưng Quốc nhân ngày bầu cử Quốc Hội VN sắp tới cũng – nói theo lời ông – “nghĩ ngợi bâng quơ về chuyện bầu cử và dân chủ” qua bài tựa đề “Chút Son Trên Miệng Cá Sấu”:

“Các cuộc bầu cử ở Việt Nam từ trước đến nay cũng vậy. Lúc nào người thắng cũng thắng một cách hết sức “vang dội”, toàn là chín mươi mấy phần trăm đến một trăm phần trăm cả. Nhưng, thành thực mà nói, chẳng có người có chút lương tri nào dám khẳng định các cuộc bầu cử thường được gọi là “đảng cử dân bầu” ấy là dân chủ cả.”

Ai đủ điều kiện?

Blogger Mẹ Nấm bày tỏ bất bình trước tình trạng người dân bị đưa vào cái thế phải “bầu những người đã được (Đảng) cử” khiến dẫn tới tình trạng quyền công dân bị chà đạp. Qua bài tựa đề “Bầu những người đã được ‘cử’ nên chọn thái độ nào cho đúng”, blogger Mẹ nấm nhận xét:
“Hãy chứng tỏ thái độ của mình ở lần bầu cử sắp tới đây thì bạn thấy hết thôi. Khi bạn thấy một người mà bạn và nhiều người không bầu vẫn đắc cử, nghĩa là quyền công dân của bạn và tôi và chúng ta đã bị chà đạp. Điều này có nghĩa là chúng ta đang tồn tại trong một xã hội như thế nào, tôi nghĩ, bạn đã có câu trả lời!”

Blogger Tô Hải cho biết rằng “suốt 65 năm qua, theo lời ông, “tớ chỉ đóng vai trò một diễn viên, diễn vở diễn mà đạo diễn đã bầy đặt, sắp xếp sẵn (gọi là ‘dưới sự lãnh đạo của Đảng’)… nghĩa là Đảng giới thiệu ai, cơ cấu ai? thậm chí gạch tên ai? đều đã có quyết định từ trước, từ TRÊN”. Và vị nhạc sĩ có tâm huyết với vận nước này cho biết thêm rằng trong lần bầu cử Quốc Hội thứ 13 sắp tới, ông sẽ được đóng 1 vai cũ mà không cần “ra sân khấu”. Nhưng ông cam kết sẽ thực hiện ‘tròn vai’ với hy vọng rằng danh sách “đảng cử dân bầu” bao gồm toàn tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân mà “cứ cho đến 50% là học vị dỏm thì số còn lại có ngoại ngữ, có biết sử dụng Internet…sẽ phát huy những điều các ông Sang, ông Trọng đã nói trước cử tri bằng những hành động cụ thể tại nghị trường”. Blogger Tô Hải nhận xét:
Khi bạn thấy một người mà bạn và nhiều người không bầu vẫn đắc cử, nghĩa là quyền công dân của bạn và tôi và chúng ta đã bị chà đạp.
Blogger Mẹ Nấm
“Một vài lần tớ và bạn bè tớ đã thống nhất lần này cứ thử gạch tên “ông TO to X“, ”ông TO vừa Y”, ông “TO…bé Z” ….vì lãnh đạo bê bết quá, vì già yếu quá,….cũng nhân thể xem xem có chuyện dân chủ thực sự không? Nhưng kết quả mấy ông đó vẫn cứ “trúng cử” thậm chí đến 100% phiếu bầu! Đặc biệt cái thời một nửa nước “mới được giải phóng”, cái thời mà một nửa nước với số cử tri mà gia đình họ đều có chồng con đang đi cải tạo không có ngày về, khi bầu cử quốc hội cũng đều tất cả những ai Đảng đã cơ cấu đều trúng cử khi công bố cuối cùng. Vẫn là được tín nhiệm từ 80 đến 100 %! Nhân dân “vùng ngụy” sớm giác ngộ cách mạng, đồng lòng theo Đảng đến tớ cũng phát….sợ !

Và chẳng phải mình tớ, cả triệu triệu con người ở cả hai miền đất nước, tư tưởng và tình cảm khác nhau như đêm với ngày, như nước với lửa đều nhận thấy: Đây chỉ là một vở diễn “Đảng cử Dân bầu”, lớp lang, “miếng”, “mảng”, màn 1, màn 2 và kết thúc ra sao ai cũng…biết trước!

…Bầu cử ở nước ta là 1 vở diễn đã có sẵn từ khoá 2 đến nay, dù có thay đổi, bổ sung 1 vài ‘mảng miếng mới’ nên mọi “sáng kiến ”hòng thay đổi nó tớ cứ xin mạnh bạo mà nói: ĐỀU VÔ TÁC DỤNG! Bằng chứng sống động nhất là ông X bị cả nhà, cả họ, cả cơ quan, bên nội ngoại tớ gạch tên. Thế mà khi công bố kết quả ông ta vẫn trúng cử 100% số phiếu. Vậy những người gạch tên ông ta không có được tính phần trăm nào hay sao?”

“Trên bảo dưới không nghe”


banner-03-250.jpg
Pano chào mừng Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII ở Q7 – TPHCM, ảnh chụp tháng 4-2011. RFA Photo.
Blog 360 Luật Pháp nhân tiện không quên Đại biểu Hội đồng Nhân dân và nêu lên câu hỏi rằng có phải “Đại biểu HĐND không bị quy định ‘trung thành với hiến pháp?”. Trang blog này phân tích:

“… Đọc Khoản 1 cùng Điều 3 của hai Luật (về bầu cử Đại biểu Quốc Hội và bầu cử Hội đồng Nhân dân), cử tri cả nước cũng đều nhận ra rằng: “Đại biểu HĐND” 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) đều không cần phải “trung thành với Hiến pháp – đạo luật cơ bản (luật gốc) của Nhà nước!”. Có lẽ xuất phát từ quy định này nên ở nước ta đã tồn tại hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” và nay nó càng mang tính phổ biến hơn (?!). Cũng có thể, từ việc quy định thiếu nhất quán này đã và đang làm phát sinh hiện tượng ở khắp các địa phương trên cả nước các cấp chính quyền cơ sở bán đất, bán rừng, bán tài nguyên tràn lan không theo quy định của Hiến pháp và không bị ĐBQH giám sát. Rốt cuộc, chỉ vì những quy định có tính xung đột pháp luật nêu trên nên rất có thể dẫn đến hệ quả pháp lý làm khổ thằng dân ngu cu đen, úp mặt xuống đất, bán lưng cho giời, cày sâu cuốc bẫm, thắt lưng buộc bụng, kiếm đồng bạc cắc từ đồng ruộng để đóng thuế nuôi một số bọn “nghị gật – không trung thành với Hiến pháp” đang chui rúc trong bộ máy công quyền.”

Blogger Sự Thật và Công Lý qua bài “Vận Động Tranh Cử…Kín” so sánh cách tranh cử ở VN với các xứ dân chủ Phương Tây để từ đó mới nhận ra “thành quả vĩ đại” của VN:
“Nếu như ở Mỹ và các nước phương Tây, ứng viên tiếp xúc với cử tri một lúc hàng ngàn người, cử tri muốn gặp ứng viên càng nhiều thì ứng viên càng mừng, tiếp xúc cả ngoài đường phố, quảng trường, sân vận động… để vận động tranh cử; thì “vận động tranh cử” ở Việt Nam diễn ra rất “kín đáo” trong bốn bức tường “cứng rắn”, ứng viên không cần biết đến cái bản mặt của đám cử tri thường dân cũng có kết quả trúng cử trên 90% như thường. Đây quả là “thành quả cách mạng vĩ đại” chỉ có ở Việt Nam!”

Bởi vậy, theo blogger Nguyễn Hưng Quốc, các cuộc bầu cử Quốc Hội ở VN vốn được tổ chức một cách tốn kém không có liên hệ gì tới ý niệm dân chủ. Và GS Nguyễn Hưng Quốc hình dung rằng chuyện bầu cử “chỉ là việc tô son trên miệng cá sấu. Vậy thôi”.
Thanh Quang cảm ơn quý vị đã theo dõi Mục Điểm Blog và xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.