Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

BÀI CUỐI CÙNG VỀ ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ



Đặng Lê Nguyên Vũ và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam
Nguyễn Bình Tâm

Trong những ngày qua báo chí và nhiều trang blog xôn xao về việc Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia cho ấn hành quyển sách “Tài năng và đắc dụng” do GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS. Phạm Hồng Tung đồng chủ biên. Tôi chưa được đọc Cuốn sách này, nhưng qua báo chí và các ý kiến tranh luận, tôi hiểu rằng sở dĩ Cuốn sách gây ra những tranh luận sôi nổi là vì nhóm tác giả đã xếp Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ ngang cùng 14 nhân vật tiêu biểu khác như Hồ Chí Minh, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ…và nhiều danh nhân  khác  đã được nhân dân Việt Nam thừa nhận từ lâu.
Trong những tranh luận sôi nổi đó, tôi đặc biệt chú ý tới bài viết của tác giả Lưu Trọng Văn trên mạng với tựa đề “Đặng Lê Nguyên Vũ – Kẻ “Vĩ cuồng”. Bài viết khá dài, công phu và cũng rất dễ đọc. Trong đó, ngoài những dẫn chứng người thực việc thực mà tác giả chứng kiến khi tiếp xúc với Doanh nhân Vũ về khát vọng của ông với đất nước, tác giả còn liệt kê tới 13 điểm dường như để chứng minh rằng việc xếp Doanh nhân Vũ trong Cuốn sách là xứng đáng và chẳng có gì phải bàn cãi. Những ý kiến và quan điểm đó hoàn toàn là quyền của người viết, tôi hoàn toàn tôn trọng và chỉ muốn nói đến điểm thứ 10 bởi vì tác giả Lưu Trọng Văn đã viết:

“10. Tập hợp các chuyên gia về đối ngoại, lập ra đề án “Ngoại giao Văn hóa”, “Ngoại giao xanh” gửi lên Bộ Ngoại giao. Vận động Bộ Ngoại giao ủng hộ và biến nó thành hiện thực để đất nước có thêm nhiều bè bạn”.

Mặc dù tôi không biết nhiều về đóng góp của Doanh nhân Vũ cho ngành Ngoại giao đến đâu và như thế nào, nhưng nói “Tập hợp các chuyên gia về đối ngoại, lập ra đề án Ngoại giao Văn hóa, Ngoại giao xanh, gửi lên Bộ Ngoại giao” là không hoàn toàn đúng. Viết như vậy, làm cho độc giả (như tôi) dễ hiểu rằng ông Vũ là Bộ trưởng Ngoại giao hoặc là một thủ lĩnh của ngành ngoại giao vì ông đã “Tập hợp” được các chuyên gia về đối ngoại. Không những thế, còn “lập ra đề án Ngoại giao Văn hóa”, “Ngoại giao xanh” gửi lên Bộ Ngoại giao. 

Viết như vậy, làm cho người đọc có thể hiểu rằng Doanh nhân Vũ chính là tác giả của Đề án Ngoại giao văn hóa - một trong 3 trụ cột của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại và là một chiến lược lớn của Đảng, Nhà nước ta hiện nay về đối ngoại. Hoạt động ngoại giao văn hóa của nước ta không phải đến khi Doanh nhân Vũ thành đạt mới có mà ngay từ khi ra đời, ngành ngoại giao Việt Nam do Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám rồi đến Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch…lãnh đạo đã rất coi trọng tác dụng của ngoại giao văn hóa và đã làm ngoại giao văn hóa rồi.

Thêm nữa, tác giả Lưu Trọng Văn còn cho rằng Doanh nhân Vũ đã “vận động Bộ Ngoại giao ủng hộ và biến nó thành hiện thực để đất nước có thêm nhiều bè bạn”. Viết như vậy, tác giả thật hồ đồ, ngộ nhận. Bởi Doanh nhân Vũ không phải là người lập ra Đề án Ngoại giao Văn hóa, không phải là nhân vật “ tầm cỡ” của Bộ Ngoại giao, cũngchưa phải là là “danh nhân đã được công nhận của Đất Việt”, nên nếu ông ta có  đóng góp gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là một số việc làm có tính cách hưởng ứng hay tích cực hưởng ứng chủ trương này trong phạm vi năng lực, tài chính…của mình mà thôi.  Vai trò của ông Vũ chỉ là một doanh nhân, một doanh nhân có đôi chút thành đạt- làm sao ông ta đề xuất nổi vấn đề rồi “vận động” Bộ Ngoại giao thi hành, như tác giả Lưu Trọng Văn đã viết.

Nếu quả thực những điều tác giả Lưu Trọng Văn khẳng định ở điểm thứ 10 như đã trích dẫn ở trên, thì vai trò và những đóng góp của Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ với ngành Ngoại giao, đặc biệt là Ngoại giao văn hóa Việt Nam thật  to lớn, thật” vĩ đại” Viết như thế, rất dễ làm cho người đọc hiểu sai rằng, những đóng góp của Doanh nhân Vũ với ngoại giao văn hóa còn lớn hơn cả các thủ lĩnh thực thụ của ngành ngoại giao như các vị tiền bối trước đây và sau này là các vị Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Dy Niên, Phạm Gia Khiêm…và rất nhiều cán bộ đã và đang công tác trong ngành Ngoại giao Việt Nam .

Với tư cách là một độc giả,  mà công việc đang làm có liên quan đôi chút đến hoạt động ngoại giao Văn hóa Việt Nam, người viết bài này xin mạo muội có một vài ý kiến  với tác giả Lưu Trọng Văn (và mong rằng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ dù có bận đến đâu cũng nên  bớt chút thì giờ tìm đọc, để “tỉnh ngộ” lại trước khi trượt quá xa)