Động thái này cho thấy Thái lan Đã quá khôn ngoan và nhìn thấy trước những hiểm họa khôn lường của việc sản xuất ồ ạt số lượng gạo lớn giành cho xuất khẩu, bởi họ thừa hiểu nó sẽ mang lại những hệ lụy gì trong tương lai gần?
Câu chuyện sản xuất lương thực cung cấp cho nhu cầu trong nước và thế giới hiện nay của các nước xuất khẩu là vấn đề thế giới cực kỳ quan tâm theo dõi và lo lắng. Tôi còn nhớ ba tôi có kể câu chuyện về tổ chức Chấn Hưng Đạo Đức thế giới qua thăm Miền Nam Việt Nam năm 1972. Ba tôi cũng có mặt trong phái đoàn đi cùng với tổ chức này về thăm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong buổi họp báo về những gì phái đoàn này thấy được trong quá trình đi quan sát, họ có nói với ba tôi đại khái như sau: ĐBSCL trong tương lai sẽ là vựa lúa của ĐNA và nuôi sống có thể là phần lớn thế giới các nước dùng gạo như là lương thực chính. Vấn đề là VN có chú trọng và xem nó như là quan điểm chiến lược phát triển trong tương lai hay không là tùy thuộc vào chính phủ. Họ còn nhấn mạnh việc trong tương lai quan điểm phát triển công nghiệp vội vã (do mong muốn nhanh chóng thoát nghèo) của các quốc gia chậm phát triển như VN sẽ là thảm họa cho việc cạnh tranh thu hồi đất nông nghiệp chất lượng cao dành để phát triển các khu công nghiệp ô nhiễm, các sân golf vô bổ và quỹ đất dành cho sản xuất lương thực bị thu hẹp. Phần do chạy theo lợi nhuận, bất chấp hệ quả về ô nhiễm môi trường. Và đây chính là thảm họa kép cho các nước nghèo.
Câu chuyện trên ba mình đã kể lại cách đây khá lâu. Điều này nó cho thấy vị trí ĐBSCL có một giá trị, và tầm quan trọng như thế nào trong việc sản xuất lương thực. Mặc dầu những dự đoán đó đã có gần 40 năm trước, nhưng tính hai mặt tiêu cực lẫn tích cực trong dự đoán này vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự cao! Trong đó mặt tiêu cực của dự đoán trên có phần nổi trội hơn cả. Cho dù VN cũng đã thành cường quốc xuất khẩu gạo như dự đoán, tuy nhiên tính ổn định và bền vững, vẫn là câu chuyện dài cần bàn.
Ngày nay vấn đề ô nhiễm từ các khu công nghiệp dọc theo các dòng sông chính của ĐBSCL, chính là nơi nguồn thải nước chưa qua xử lý ra môi trường nhiều nhất. Vấn nạn này giờ đang lan rộng khắp cả nước. Ngay cả các thành phố lớn như TP HCM, HN,... nơi có đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản hơn thế mà vấn nạn ô nhiễm vẫn là bài toán chưa có lời đáp. Huống gì ĐBSCL nơi chất lượng nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu. Đó chưa nói là đội ngũ quản lý tham nhũng thành dịch lan rộng khắp nơi trong cả nước. Nhắm mắt làm ngơ cho các doanh nghiệp bất lương vô tư xả ra môi trường bao nhiêu là chất độc hại không hề qua xử lý.
Nhân gần đây nổi lên một sự kiện mà bất kỳ ai trong chúng quan tâm đến số phận ngành nông nghiệp nước nhà, không khỏi không quan tâm và lo âu cho số phận của nó. Đó là việc Thái Lan muốn nhường sân chơi xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp cho Việt Nam. Tức là họ không còn quan tâm xuất khẩu gạo dựa vào số lượng mà chủ yếu dựa vào chất lượng gạo phẩm chất cao cho những thị trường cao cấp và khó tính cũng như đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn chất lượng của sản phẩm làm ra. Đồng thời chủ động giảm hệ số sử dụng đất thái quá như trước đây.
Động thái này cho thấy Thái lan Đã quá khôn ngoan và nhìn thấy trước những hiểm họa khôn lường của việc sản xuất ồ ạt số lượng gạo lớn giành cho xuất khẩu, bởi họ thừa hiểu nó sẽ mang lại những hệ lụy gì trong tương lai gần?
Vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay không còn là vấn đề mà chúng ta chỉ nói ở cửa miệng nữa, mà đã trở thành vấn đề nghiêm trọng và ngày càng có ảnh hưởng khá rõ nét. Đó là còn chưa tính đến hàng chục các đập thủy điện đã, đang và sẽ được xây dựng ở vùng thượng lưu con sông Mekông. Nếu điều này xảy ra sẽ là bán án tử cho các vùng trồng lúa nước hạ lưu con sông này trong tương lai, do mực nước biển dâng sẽ nhấn chìm một phần diện tích canh tác và do không còn lưu lượng nước dồi dào như trước đây! Và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất có lẽ là ĐBSCL của VN.
Việc Thái Lan thay đổi tư duy làm lúa gạo xuất khẩu cho thấy đây là một việc làm khôn ngoan mà VN nên tiếp cận và thay đổi đừng để mọi chuyện quá muộn màng. Việc trồng lúa nước cao sản như hiện nay tức là một năm 3 vụ hay 2 năm 7 vụ sẽ để lại những di hại cực kỳ nguy hiểm mà ta chưa thể nào lường hết.
Đất đai bị khai thác quá mức như thế sẽ không còn độ màu mỡ phì nhiêu, thổ nhưỡng đất cũng sẽ bị thay đổi nghiêm trọng, đất không còn nhiều dinh dưỡng nên người trồng lúa phải sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học để bón cho lúa. Chuỗi thức ăn trên đồng ruộng diễn ra liên tục, không bị ngắt quãng và vì thế mật độ côn trùng, sâu bệnh, chuột bọ,... phá hoại mùa màng sẽ ngày càng nặng nề hơn. Việc liên tục dùng hóa chất để diệt các loài gây hại như côn trùng, bệnh cây, cỏ dại bừa bãi như hiện nay có thể làm gia tăng tính kháng của các loài. Đưa đến việc sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh ngày cũng nhiều hơn và có nhiều độc tố mạnh hơn. Ngoài ra việc dùng các hóa chất bổ sung vô tội vạ, dựa trên cái bài viết quảng cáo được đặt hàng từ các nhà sản xuất các hóa chất này cho các nhà khoa học uy tín. Nhưng chưa biết lợi ích từ thực nghiệm ra sao, hiệu quả làm tăng năng suất tới đâu theo cái kiểu dùng thuốc này thì phải kết hợp với bón phân hay vài phương pháp gieo trồng, canh tác hợp lý nào đó mà họ nghiên cứu thấy dân mình chưa tận dụng, cũng có thể làm thay đổi 10% hay 20% năng suất lúa. Mà kỳ thực phần đóng góp của hóa chất kiểu "thực phẩm chức năng" này không đáng là bao, kết hợp với quảng cáo nổ như bom,... Chính việc sử dụng này sẽ là nguyên nhân nghiêm trọng cho việc tích lủy các chất độc tiềm ẩn trong đất, làm gia tăng chi phí sản xuất lương thực.
Trước đây khi làm lúa chỉ có hai vụ, hoặc hai vụ rưỡi trong năm thì người nông dân còn để đất trống cho nước lũ và phù sa tràn về làm ngập đồng. Vừa có tác dụng cung cấp một lượng phù sa trời cho khổng lồ, vừa làm trẻ hóa bề mặt thổ nhưỡng của lớp đất mặt cho trồng lúa, vừa có tác dụng rửa trôi các độc chất tồn lưu trong đất. Nay để gia tăng số vụ trồng lúa trong năm, việc sử dụng các đê bao này đã ngăn không cho nước vào nội đồng, dẫn đến việc tích lũy các chất độc hại trong đất ngày càng cao bởi các hóa chất nông nghiệp như thủy ngân, chì, cadimi,... Sự tích lũy quá mức này sẽ dẫn đến một ngày nào đó bộ rễ lúa sẽ hấp thụ vào trong thân và tồn lưu ngay trong hạt gạo. Lúc đó sẽ là một thảm họa sinh thái cho sản phẩm lúa gạo?
Việc trồng lúa nước với số vụ trong năm quá nhiều như hiện nay sẽ cần đến một số lượng nước tưới khổng lồ. Và chính khối lượng nước tưới khổng lồ này sẽ cạnh tranh với nước dùng sinh hoạt, nước dùng cho công nghiệp của cư dân đô thị. Với tình hình xây đập ào ạt trên thượng nguồn sông MK hiện nay thì nguy cơ thiếu nước cho canh tác và sinh hoạt sẽ là tất yếu. Điển hình như mùa lũ năm rồi ĐBSCL hầu như không có nước! khiến cho việc xâm nhập mặn ngày càng vào sâu hơn trong nội đồng, thiếu nước tưới cho vụ hè thu,...
Lượng nước tưới khổng lồ này vào đồng ruộng một phần được cây lúa hấp thụ, một phần bốc hơi, một phần thất thoát ra môi trường tự nhiên cùng với sự ô nhiễm các hóa chất nông nghiệp sẽ làm nước các dòng sông bị ô nhiễm hóa chất dẫn đến tính đa dạng sinh học của thủy sinh, lưỡng cư, chim chóc và các loài động vật khác cũng bị giảm theo và có cả nguy cơ tiệt chủng? Ví dụ như vùng Đồng Tháp Mười trước đây có rất nhiều tôm cá, đỉa,...nhưng từ khi lúa cao sản phát triển thì hầu như chẳng còn nguồn lợi cá đồng là bao ngoài con ốc bưu vàng phát triển ồ ạt vì gặp điều kiện thuận lợi cho các sinh vật ngoại lai, hay hiện nay có thêm con cá lau kiếng cũng phát triển dày đặc ở ĐBSCL và đặc biệt chuột thì nhiều vô kể!
Việc giảm sản lượng lúa cao sản có phẩm chất gạo cấp thấp như hiện nay ở Thái Lan để đầu tư cho lúa gạo phẩm chất cao, có hàm lượng dinh dưỡng cao, như có đạm cao, có bổ sung các vitamin, hay có hàm lượng sắt cao mà họ đang theo đuổi sẽ tạo ra nhiều thuận lợi lớn cho họ trong việc một ngày không xa TL sẽ lại dẫn đầu các nước XK gạo tạo ra sản phẩm sinh thái, sạch, xanh thân thiện môi trường. Và quan trọng là họ cung cấp cho người tiêu dùng một sản phẩm chất lượng cao làm an tâm người sử dụng! Nhưng giá bán sản phẩm có thể gấp đôi, gấp ba lần giá bán gạo phẩm cấp thấp như hiện nay. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho đất đai nghỉ ngơi, phục hồi môi trường sinh thái nông nghiệp, tiêu thụ lượng nước tưới ít, sử dụng ít hóa chất như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, các hoá chất bón lá, dinh dưỡng cây trồng,... Hơn nữa hệ số sử dụng đất thấp cũng là hình thức tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên vốn ngày càng teo tốp và không có khả năng tái tạo hay phát sinh, đồng thời còn có thể giúp xây dựng nền sản xuất lúa bền vững và thân thiện hơn với môi trường. Trong điều kiện đó ta có thể tái dùng các phương pháp sử dụng phân xanh để cải tạo dinh dưỡng đất, giúp trẻ hóa đất, tăng độ xốp đất trồng, như dùng cây điền thanh, bèo hoa dâu để gieo trồng trong thời gian đất nghỉ, sau đó thì cày vùi vào đất để làm phân bón cho lúa. Lợi dụng vi khuẩn cố định đạm Rhizobium có trong các nốt sần trên thân và rễ của cây điên điển họ đậu để cung cấp đạm trồng lúa, giúp giảm lượng phân bón sử dụng, làm giảm giá thành sản xuất lúa, làm gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
Từ việc làm của TL ta có thể thấy chính phủ họ đã rất quan tâm đối phó với kịch bản về biến đổi khí hậu khá cụ thể ngay từ bây giờ hơn là chỉ hô hào suông!
Phần lớn trong chúng ta ai cũng phải thừa nhận một điều hết sức quan trọng,TL là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển cao hơn ta từ khâu tổ chức trồng trọt, bảo quản nông sản, phân phối và tiêu thụ và xuất khẩu. Từ một nền sản xuất có tổ chức và chặt chẻ như thế mà họ còn lo xa thì VN với việc tổ chức sản xuất còn manh mún, dân chỉ thích trồng cái gì đơn giản, năng suất cao, chạy theo lợi nhuận tức thì, khâu bảo quản nông sản sau thu hoạch yếu. Thậm chí xuất khẩu gạo cả 20 năm rồi mà chưa có cảng xuất khẩu gạo chính, dẫn đến chi phí giá thành XK gạo tăng do chuyên chở, cộng với các doanh nghiệp XK chỉ chăm chăm đến lợi ích của doanh nghiệp mình mà không quan tâm gì đến nhà nông. Không chịu tích cực tìm kiếm các thị trường khó tính để tiếp cận. Không thèm xây dựng thương hiệu gạo cho VN. Lợi nhuận có được khi XK không trích ra một phần tái đầu tư cho nông dân như nghiên cứu các giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao. không phát triển các vùng trồng lúa tập trung chất lượng cao,... ăn xổi ở thì. Thậm chí đầu tư mua sắm tàu cũ để giành lấy thị phần chuyên chở gạo xuất khẩu G- TO- G, mục đích tăng tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích bản thân doanh nghiệp. Nhà nước cũng phải tự hỏi vì sao có quá trình dài XK gạo mà ta chưa có thương hiệu, và XK chủ yếu là các thị trường nghèo, dễ tính như châu Phi, Cuba, Philippines,... Điều đó chứng tỏ là những tổ chức mà nhà nước giao quyền lo việc XK gạo chẳng quan tâm gì lợi ích quốc gia? Hơn bao giờ hết nhà nước phải là nhạc trưởng điều hành và tái cơ cấu lại nền nông nghiệp sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao hình ảnh và uy tín hạt gạo VN, mới mong cạnh tranh được với Thái Lan trong tương lai.
Để làm được điều đó nhà nước cũng phải xem lại chiến lược xuất khẩu gạo dựa vào số lượng nhiều hơn là quan tâm đến chất lượng gạo. Xem xét lại vì sao nước ta có hàng trăm các công ty bảo vệ thực vật thi nhau nhập khẩu ồ ạt hóa chất nông nghiệp vào VN. Bất kỳ ai có vốn đều có thể tham gia vào thị trường nông dược béo bở và khổng lồ này. Từ các hóa chất cao cấp thân thiện với môi trường cho đến các hóa chất không rõ nguồn gốc hay có phẩm chất thấp và không rõ ràng như từ thị trường TQ. Đây có lẽ là vấn đề nên được quan tâm trước tiên. Việc hiện nay có quá nhiều các loại hóa chất trong thị trường nông dược sẽ là một thảm họa về môi trường không xa. Nhà nước liệu có biết hóa chất nào có tính bền vững trong môi trường tự nhiên hay không và hóa chất nào ít có tính tồn lưu và dễ bị phân hủy sau khi sử dụng hay không? Kiểu như DDT trước đây tồn lưu trong môi trường tự nhiên cả trăm năm. Mà nay các nhà khoa học đã phát hiện nó có cả trong mỡ hải cẩu chẳng hạn! Mặc dầu đã cấm sử dụng từ thập niên 60 của thế kỷ trước.
Việc có quá nhiều hóa chất khác nhau trên đồng ruộng Việt Nam là hệ quả của sự quản lý yếu kém. Nói thẳng là vì quá tham nhũng, hay vì quá vô cảm, biết nhưng vì những món lợi trước mắt mà bất chấp tất cả? nên chúng mới tràn lan như thế! Chúng được dễ dàng cấp phép mà không cần qua khâu thẩm định nghiêm ngặt nào. Cứ thấy hóa chất nào diệt côn trùng, sâu bệnh hiệu quả là a lê hấp cấp phép, sau khi các nhà nhập khẩu lại quả một phần hậu hỉnh. Song song đó nạn nhập khẩu tràn lan phân bón có chất lượng thấp từ TQ như các loại phân NPK, phân DAP, phân Urea,.. thả nổi chất lượng. Các doanh nghiệp bất lương sản xuất phân bón giả, thuốc BVTV giả cũng là vấn nạn nan giải trong việc kiểm soát các hóa chất độc hại đưa vào đất trồng.
Nông dân ta phần lớn còn nghèo nên với họ việc ưu tiên mua và lựa chọn thuốc, phân bón giá rẻ luôn được đặt lên hàng đâu. Phần lớn họ chỉ nghĩ đơn giản thuốc mình sử dụng có hiệu lực diệt côn trùng hay bệnh cây có cao không, giá cả có rẻ không? Còn chúng có nguy cơ nào cho môi trường, hay ảnh hưởng tồn lưu hóa chất này lên sản phẩm như thế nào, ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người sử dụng hóa chất đó, người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do họ làm ra,... họ không quan tâm. Đây chính là lý do cho hầu hết các hóa chất bảo vệ thực vật rẻ tiền, độc tính cao từ TQ có đất sống khỏe ở VN và ngày càng có khuynh hướng phình to thị phần tiêu thụ. Tôi có người bạn làm quản lý cho một công ty nông dược tư nhân. Nó nói với tôi rằng công ty của nó chuyên nghiên cứu các hóa chất BVTV được tiêu thụ và bán chạy nhất ở các công ty lớn để xem nguyên liệu gốc là gì sau đó thì gọi điện thoại đặt hàng cho các "nhà sản xuất" nông dược TQ, thậm chí còn gửi cả mẫu sang để TQ "nghiên cứu" tạo ra một sản phẩm nhái có tính năng tương đương với thuốc của các công ty như Nhật hay châu Âu nhưng với giá thành rẻ hơn rất nhiều lần. Nó còn nói công nhân làm trong các xưởng đóng gói thuốc BVTV chân tay thường hay bị lở loét. Nên khoảng một hay hai tháng công ty tổ chức cho công nhân đi tắm biển để... tẩy độc? Từ thông tin này cũng đủ để nói lên sự ghê gớm và độc hại của thuốc trừ sâu TQ như thế nào! Và đó cũng là nguyên nhân ngộ độc thuốc trừ sâu từ thực phẩm khá cao ở nước ta.
Việc dùng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp như đã phân tích trên sẽ là một vấn đề nghiêm trọng cho VN về lâu về dài. Biết đâu vào một ngày nào đó, TL chứng minh rằng gạo VN ô nhiễm hóa chất, sản xuất không thân thiện môi trường, thì lúc đó ta làm gì? Đừng để rồi một ngày nào đó gạo mình làm ra không ai tiêu thụ, kiểu WWF đã từng xếp con cá tra, cá ba sa VN vào danh sách đỏ do việc nuôi, sản xuất, và chế biến con cá này làm ô nhiễm môi trường và làm giảm tính đa dạng sinh học. Giảm đa dạng sinh học ở đây không phải là việc ta dùng con giống ngoài tự nhiên để sản xuất cá thịt mà là sử dụng các loài cá tạp, nhỏ đánh bắt ngoài tự nhiên để làm thức ăn cho cá nuôi, đồng thời qui trình nuôi hay chế biến nước thải không xử lý và được thải ra môi trường cũng giết các loài ngoài tự nhiên. Rồi chúng ta lại phải tốn công chạy ngược, chạy xuôi để chứng minh này nọ nhưng uy tín ít nhiều đã giảm sút! Đồng thời các nhà nhập khẩu gạo, nông sản có thể dựa vào đó để chèn ép về giá cả,...
Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra vì tính sống còn trong cạnh tranh. Ngay từ bây giờ nhà nước cần rà soát lại tổng thể nền nông nghiệp nước nhà. Để làm được điều này nếu vẫn cứ tiếp tục lối quản lý như hiện nay sẽ không bao giờ thay đổi gì cả. Con người ở các bộ phận quản lý này phải thật sự giỏi, có tâm trong công việc. Chấm dứt việc quản lý nào cũng phải là các anh đỏ, thích làm quan, yêu tiền hơn là làm công việc vì dân vì nước!
Hãy tiến hành ngay từ bây giờ hơn là chẳng bao giờ. Đừng để nước đến chân mới nhảy. Đừng để VN mãi lẹt đẹt đi sau Thái Lan và chịu hoàn toàn sự chi phối của họ trong thị trường XK gạo.
Và một điều không thể không nói ra là đảng hãy mạnh dạn chấm dứt độc tài và thiếu dân chủ như hiện nay. Bởi chừng nào đảng còn quá bận rộn trong việc lo học tập quán triệt nghị quyết để thấm nhuần và kiên định kinh tế thị trường định hướng XHCN, lo luôn phải nâng cao cảnh giác chống lại diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, lo phải đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực phản động, lo chỉ đạo quân đội bảo vệ chế độ, lo nghiên cứu lý luận để tìm cách biện luận nào sao cho người nghe hài lòng, lo thù trong,... chi cực vậy!?...Bận rộn như thế thì còn đâu thời gian để mà tập trung chất xám lo cho dân cho nước như mong muốn? Kẻ thù của mình có nhiều hay ít là do cách anh sống mà ra!
Bài viết này chỉ là những nhận định mang tính khách quan và chủ quan. Có thể trong một số vấn đề về khoa học chưa chuẩn xác và gây ra một vài ngộ nhận. Rất mong các bạn đóng góp ý kiến phản biện nhẹ nhàng hay gay gắt cũng không thành vấn đề, bởi mục đích là làm sao cho bất kỳ ai cũng thấy nguy cơ này. Có thể có ai đó cho rằng bài viết viễn vông, thiếu tính thực tế cũng không sao cả.
Vượt lên trên hết bản thân tôi cũng đã từng trải qua một thời gian với người nông dân ĐBSCL, nên ít nhiều tôi hiểu được phần nào nỗi nhọc nhằn của họ. Bài viết này như góp một phần rất rất nhỏ, yếu ớt tiếng chuông cảnh tình trong cách điều hành và quản lý tồi như đã thấy, ngỏ hầu cải thiện phần nào hình ảnh hạt gạo và còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của vùng đất trù phú này vốn đang ngày càng đối diện với nguy cơ thảm họa sinh thái có thật trong tương lai đã rất gần, rất gần của một ngày không xa!
Đào Hữu Nghĩa Nhân