Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Chi thứ 5 trong cơ thể

Tô Văn Trường
clip_image001
Sau sự kiện động đất, sóng thần ở Nhật Bản, nhiều người dân Việt Nam quan tâm đến vụ án xét xử công dân Cù Huy Hà Vũ. Cảm nhận của nhiều người đọc thông tin trên các báo về vụ án nói trên khá đơn điệu. Cần phải cảm thông vì hầu hết các nhà báo không được tham dự trực tiếp phiên tòa để tác nghiệp chưa kể trên đầu họ vẫn còn mang những “vòng kim cô” cả hữu hình lẫn vô hình!

Ngược lại, báo chí nước ngoài, trên mạng internet ở Việt Nam tràn ngập các thông tin theo kiểu “trăm hoa, đua nở” nhận định đánh giá về phiên tòa, về Cù Huy Hà Vũ. Chắc chắn sau này, người ta sẽ còn nhắc lại vụ án này với điệp ngữ “giá như”, tiếc thay lịch sử lại không có hai từ “giá như”! Trong cuộc sống còn biết bao việc cần phải suy ngẫm, lo toan, phải làm như ổn định kinh tế xã hội, kìm chế lạm phát, “bão giá”, an sinh xã hội, dịch vụ công, v.v. thế mà lại phải mất quá nhiều thời gian vào việc xuất phát từ “hài kịch” “hai bao cao su đã qua sử dụng” có thể nói là rất phản cảm! Suy cho cùng, đó là năng lực quản trị và nhận thức, ứng xử với hai từ “DÂN CHỦ” của những người có trách nhiệm.
Có nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài nói với tôi, hiện trạng mất dân chủ hiện nay ở nước ta có thể ví như căn bệnh ung thư rồi. Nó di căn đến mọi ngóc ngách của cơ thể xã hội, thậm chí đến từng não trạng của mỗi con người. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, ai cũng ít nhiều là nạn nhân của sự MẤT DÂN CHỦ hoặc trong chính gia đình mình, hoặc trong chính cơ quan mình hoặc nói chung là trong mọi sinh hoạt xã hội mà họ tham gia. Tuy vậy, hình như chúng ta chấp nhận nó, như một chi thứ 5 trong cơ thể, và thường giấu nó sau lưng mình, quên nó đi, và ngắm nhìn cũng cái chi thứ 5 ấy của người khác, ở nơi khác. Và nhiều lúc chính chúng ta lại dùng cái chi thứ 5 ấy để tác động vào cuộc sống quanh mình.
Khi xã hội mất dân chủ trầm trọng và toàn diện, thì mọi thiết chế trong xã hội đó, hầu hết chỉ là hình thức, một loại hình thức chủ yếu để hợp lý hóa và che đậy sự mất dân chủ mà thôi. "Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội" mệnh đề cực kỳ quan trọng này trong hệ thống học thuyết của Marx có thể giúp ta soi sáng nhận thức của mình. Mọi vấn đề đang đặt ra trên bề măt xã hội hiện nay của chúng ta chính là sự thể hiện tức thời cái ý thức xã hội đang được tạo ra bởi cách thức "tồn tại xã hội" của chúng ta bấy lâu.
Nếu chỉ chạy theo giải quyết phần ngọn, đó là ý thức xã hội thì thật ra chúng ta tự nhận mình là học trò của Marx nhưng chẳng hiểu gì về Marx cả. Và đương nhiên, chúng ta không thể nào giải quyết được hết hàng tỷ thức dạng khác nhau ở gần 90 triệu con người đang hàng ngày "tồn tại méo mó" như bây giờ được. Lời giải cho các vấn đề xã hội không thể đi tìm trong đầu óc, suy nghĩ hay hành vi riêng biệt của từng con người, mà phải đi tìm nó trong bản chất các mối quan hệ kinh tế, chính trị của xã hội đó.
Một số người đặt vấn đề vì sao có bảng hiệu “Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ”, nhưng thực tế ở Việt Nam không gọi là Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là luật sư? Tra cứu tài liệu được biết Cù Huy Hà Vũ là con trai của cố nhà thơ Việt Nam nổi tiếng, Bộ trưởng Cù Huy Cân, là con nuôi và là cháu ruột của nhà thơ Xuân Diệu. Mẹ của ông là bà Ngô Thị Xuân Như, em ruột Xuân Diệu, thuộc dòng họ Ngô Đức Kế làng Nam Sơn, thị trấn Can Lộc, từng công tác tại Ban Kiểm tra 12, Phủ Thủ tướng, Bác sĩ Viện Y học cổ truyền Việt Nam. Vợ ông Vũ là bà Nguyễn Thị Dương Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ, có trụ sở ở nhà riêng số 24 đường Điện Biên Phủ, thành phố Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ (chuyên ngành tiếng Pháp) từ năm 1979, Cù Huy Hà Vũ làm việc tại Ban Thông tin Học viện Quan hệ Quốc tế. Trong thời gian 5 năm làm việc ở học viện này, Cù Huy Hà Vũ thường xuyên sang Pháp để tiếp tục học tiếng Pháp và học thêm các chuyên ngành quản lý nhà nước, quan hệ quóc tế, luật kinh tế. Ông tốt nghiệp Học viện Hành chính công tại Pháp, ông còn là Thạc sĩ văn chương, Tiến sĩ luật (Đại học Sorbonne) và họa sĩ – Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Dù ông Vũ không có giấy phép hành nghề Luật sư, gia đình ông có Văn phòng Luật sư mang tên Cù Huy Hà Vũ, do vợ ông là Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà làm Trưởng văn phòng. Có thể hiểu một cách nôm na, ở nước ta có quy định khi tốt nghiệp đại học luật ra trường sẽ có bằng Cử nhân luật, nhưng còn phải làm việc tập sự và được Hội Luật sư cho gia nhập Đoàn Luật sư thì mới được gọi là Luật sư và mới có giấy phép hành nghề để được tác nghiệp tại tòa án. Vợ ông Cù Huy Hà Vũ là Luật sư thực thụ theo quy trình trên nên bà Dương Hà mới có giấy phép hành nghề Luật sư. Dương Hà là chủ của Văn phòng Luật sư tư nhân mang tên “Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ” có nghĩa là luật sư Dương Hà dùng tên Cù Huy Hà Vũ làm bảng hiệu cho business của mình. Đối với pháp luật Việt Nam, Cù Huy Hà Vũ là một công dân, không phải Luật sư mặc dù ông có bằng Tiến sĩ luật!
Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ từng bào chữa cho tướng công an Phạm Xuân Quắc trong vụ án liên quan đến các nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải (vụ án tham nhũng PMU 18). Ông Vũ từng công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam trước khi bị cho thôi việc năm 2009 với lý do "bỏ cơ quan không đến làm việc".
Cù Huy Hà Vũ trở nên nổi tiếng sau khi có nhiều vụ kiện được đánh giá là khuấy động dư luận. Ông là người góp công trong việc ngăn chặn dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, dự án tái dựng đền Cẩu Nhi trên gò nổi hồ Trúc Bạch và cũng rất tích cực đấu tranh cho việc chống chặt cây xây khách sạn tại các công viên cây xanh. Ông được dư luận thế giới chú ý đến sau khi đệ đơn kiện Thủ tướng Việt Nam đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng và được nhiều báo đài quốc tế như BBC, VOA, AFP quan tâm phỏng vấn.
Cù Huy Hà Vũ bị bắt từ ngày 5 tháng 11 năm 2010 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 – Bộ luật Hình sự, trong đó đơn kiện Thủ tướng của ông bị cho là "vu khống lãnh đạo". Chiều 17 tháng 12 năm 2010, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng đối với ông. Theo khoản 1, điểm C, Điều 88 Bộ luật Hình sự, ông Cù Huy Hà Vũ bị khép tội "Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Ngày 4 tháng 4 năm 2011, ông Vũ bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế tại địa phương kể từ ngày bị cáo chấp hành xong lệnh phạt.
Cá tính của Cù Huy Hà Vũ nhiều người đã biết. Cách đây hơn một năm tôi đã được nghe một số người nhận xét ông Vũ “hâm”, ngạo mạn, không biết sợ là gì! Nhưng với chúng tôi cá tính mỗi con người, sự đáng trân trọng chính là ở chỗ nó tồn tại và khác biệt. Bác Hồ cũng có lần ví von đại ý: “Hoa đẹp hoa xấu cũng tùy từng người, từng con mắt, nhưng chúng đều được gọi là Hoa”. Và nhà nước nào đi dùng luật để xử cá tính, xử thái độ và “chụp mũ” lời nói, thì chắc chắn phải xem xét lại những người nhân danh nhà nước để tạo ra và tìm cách xét xử những chuyện như thế! Lúc đầu, chúng tôi cũng cho đó là việc “rỗi hơi”, “vớ vẩn”, nhưng ngẫm suy lại thấy việc này vô tình lại có tác dụng to lớn đối với nhận thức của người dân. Tôi cũng thuộc trường phái “quét rác”, không phải “bới rác” vì đời rác đã nhiều rồi. Cái thứ chúng ta gọi là rác đã nhiều đời các vị lãnh đạo có quyền lực đầy mình cũng than bó tay không làm gì được. Thứ này không ai quét được, trừ một người. Ông ta tên là DÂN, NHÂN DÂN.
Từ vụ án của TS Cù Huy Hà Vũ càng thấy độ vênh về nhận thức sử dụng Luật pháp ở nước ta. Quá trình xét xử vụ án phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật đúng như câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Ngay từ đầu phiên tòa đã vấp về bản cáo trạng là văn bản kết tội, truy tố của Viện Kiểm sát đối với công dân Cù Huy Hà Vũ. Một câu hỏi đặt ra, phía công tố (Viện Kiểm sát) và tòa án đều là những người được học luật bài bản, có quyền lực trong tay tại sao lại sợ hãi, vội vàng, không công khai tranh luận sòng phẳng theo pháp luật quy định trước tòa với các Luật sư (người gỡ tội) để cho Cù Huy Hà Vũ tâm phục, khẩu phục?
Quyết tâm bỏ tù Cù Huy Hà Vũ có nhiều nguyên nhân. Chưa bàn đến bài toán tổng thể “trade-off” ai được, ai mất qua vụ án này nhưng cái mất nhãn tiền là lòng tin của người dân vào pháp luật, cán cân công lý bị sứt mẻ bởi cách truy tố của Viện Kiểm sát và quá trình xét xử của quan tòa ở một tòa án nửa kín, nửa hở! Viết đến đây, tôi lại nhớ đến bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, có lần đề cập nhẹ nhàng “lỗi hệ thống” đã đăng trên VNNTuanvn.net. Suy rộng ra, phải chăng chúng ta không thể “sống chung” với chi thứ 5 không do tạo hóa sinh ra trên cơ thể con người?
T. V. T.

*Bài viết do TS. Tô Văn Trường gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog