Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Bải Cỏ Rong (Reed Bank) là của Phillipines hay của Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu?

Đinh Kim Phúc

imageNgày 19/4/2011, Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đã có bài viết "Bảo vệ quyền lợi của Philippines ở Reed Bank (Defending the Philippines’ rights to the Reed Bank) đăng trên The Manila Times (1) với những luận điểm vô căn cứ:
- "Giải pháp cho Philippines là khẳng định Reed Bank không phải là một phần của khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của quần đảo Trường Sa, hoặc thềm lục địa. Sự khẳng định này có nghĩa là Reed Bank không nằm trong quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp và do đó, nó thuộc về Philippines bởi khu đặc quyền kinh tế được tạo ra từ đường cơ sở của quốc gia".
- "Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam chưa bao giờ thách thức quyền và các hoạt động của Philippine ở Reed Bank".
Về nội dung bài báo này, có lẽ Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu đã nói thay cho các học giả và nhà nước Philippines?


Nó là gì?
Ngày 14.3.2008, Tiến sĩ Raul Pangalangan, Giáo sư Luật học của Đại học Philippines đã phân bua trên Nhật báo Philippines Inquirer: “Quyền của chúng ta đối với các đảo của mình có xuất phát điểm từ Hiệp ước Hòa bình 1898 giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ: ‘Tây Ban Nha nhượng cho Hoa Kỳ quần đảo được biết như là các hòn Đảo của Philippines, và bao gồm những đảo nằm trong phạm vi đường ranh giới dưới đây: …’ Điều này có ý nghĩa đặc biệt, vì Trường Sa nằm trong những đường ranh giới được phân chia đó thuộc phạm vi quy định của Hiệp ước đó (Hoa Kỳ đã trả cho Tây Ban Nha tổng cộng 20 triệu đôla). Nó có thể không phải là một thỏa thuận mua bán bất động sản nguyên nghĩa, trừ phi là chúng ta, những dân bản xứ có nước da ngăm ngăm, chỉ ngẫu nhiên nằm trong cái thỏa thuận cả gói – và khởi sự gây chiến tranh một cách đầy kiêu hãnh”.
Việc Tiến sĩ Raul Pangalangan nhắc lại Hiệp ước Hòa bình được ký giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ tại Paris ngày 10.12.1898 thì sự thật như thế nào?
Điều 3 của Hiệp ước này ghi rõ:
“Tây Ban Nha nhượng lại cho Hoa Kỳ quần đảo được cho là thuộc Philippines, bao gồm các đảo nằm trong các tuyến sau:
Đường chạy từ Tây sang Đông dọc theo hoặc gần vĩ tuyến 20 vĩ độ Bắc, xuyên qua eo Bachi mà tàu bè đi lại được, từ kinh tuyến thứ 118 đến 127 kinh độ Đông Greenwich, từ đó chạy dọc theo kinh tuyến 127 thuộc kinh độ Đông Greenwich đến vĩ tuyến 4o45’ thuộc vĩ độ Bắc và từ vĩ tuyến 4o45’ thuộc vĩ độ Bắc đến phần giao nhau với kinh tuyến 119o35’ phía Đông Greenwich và từ đây kéo đến vĩ tuyến 7o40’ thuộc vĩ độ Bắc, từ tọa độ này kéo dài đến chỗ giao nhau với kinh độ 116 thuộc kinh độ Đông, và chạy thẳng đến chỗ giao nhau giữa vĩ tuyến 10 thuộc vĩ độ Bắc với kinh tuyến 118 thuộc kinh độ Đông Greenwich rồi trở về khởi điểm. Hoa Kỳ sẽ trả cho Tây Ban Nha số tiền là 20 triệu USD trong thời hạn ba tháng sau khi trao đổi sự phê chuẩn của hiệp ước hiện hành” (2).
Hiệp ước Paris 1898, quy định Philippines nằm ở các tọa độ như đã kể trên, còn quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm vào khoảng 6o50’ đến 12o vĩ độ Bắc và từ 111o20’ đến 117o20’ kinh độ Đông. Như vậy cho chúng ta thấy rằng Philippines vốn là một quốc gia không có chủ quyền gì tại quần đảo Trường Sa vì Hiệp định Paris năm 1898 được ký kết giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã xác định rõ: Lãnh thổ Philippines không bao gồm một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines có ý đồ từng bước tranh chiếm quần đảo Trường Sa để mở rộng lãnh thổ của họ về phía Tây và làm cơ sở cho yêu sách của họ trong việc phân chia ranh giới các vùng biển và thềm lục địa với Việt Nam trong Biển Đông.
Vậy là tiếp theo động thái của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2007, nay lại đến Philippines tiếp tục áp đặt lại chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là Philippines thật sự có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa hay không? Nhìn nhận dưới góc độ luật pháp quốc tế như thế nào?
Nhìn trở lại lịch sử, một số chi tiết cần được nhắc đến như sau:
Ngày 17 tháng 5 năm 1949, Tổng thống Philippines là Quirino tuyên bố: “Quần đảo Trường Sa nên thuộc về Philippines vì nó ở gần Philippines” và thừa nhận các trạm khí tượng do Pháp xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa (trạm Phú Lâm 48859, trạm Hoàng Sa 48860) và ở quần đảo Trường Sa (trạm Ba Bình 489189).
Năm 1951, Philippines bắt đầu chuẩn bị dư luận để nhảy vào tranh chấp quần đảo Trường Sa. Chính phủ Philippines đã tán thành lời tuyên bố của ông Zi Tomas Cloma, chủ một đội ngư thuyền và thương thuyền và Giám đốc một trường hàng hải cho rằng ông ta đã khám phá ra quần đảo Trường Sa và tuyên bố thành lập một “xứ tự do” bao gồm tất cả quần đảo này.
Trước đó, trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma phát hiện một nhóm đảo lớn nhỏ ở cách đảo Palawan của Philippines khoảng 400 dặm về phía Tây. Ông có ý định lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây, và khai thác phân chim trong những hòn đảo kế cận.Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1956 Cloma mới lại tiếp tục khám phá những hòn đảo này trong một chuyến du hành 38 ngày. Ngày 15.3.1956, chiếc tàu PMI IV vẫn được dùng để huấn luyện các sinh viên trường hàng hải của Cloma do Thuyền trưởng Filemon Cloma, em trai Tomas Cloma, điều khiển đã lên đường ra các hòn đảo này chiếm đóng. 40 thủy thủ trên tàu, tất cả đều có quốc tịch Philippines, đã dựng quốc kỳ Philippines trên một hòn đảo và chính thức tuyên bố chiếm hữu đảo này theo thông lệ quốc tế. Tại mỗi hòn đảo họ tới chiếm đóng, họ đều niêm yết cáo thị chiếm hữu. Họ đặt tên những hòn đảo ở đây, tất cả có 53 đảo và cù lao với diện tích tổng cộng 64.976 dặm vuông, là “Freedomland” hay Ðất Tự do.
Ngày 15.5.1956 Cloma chính thức thông báo cho Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Philippines Carlos P. Garcia hay là một số công dân Phi đã quan sát, trắc lượng và chiếm hữu “một lãnh thổ ở Nam Hải, bên ngoài hải phận Philippines và không thuộc thẩm quyền quản hạt của nước nào”. Cloma cũng nói thêm là lãnh thổ này đã được Cloma và các đồng sự tuyên bố chiếm hữu.
Ngày 15.3.1956, Philippines cho tàu chở một số sinh viên do Thuyền trưởng Filemon Cloma chỉ huy đến cắm cờ Philippines tại một số đảo ở Trường Sa.
Ngày 19.5.1956, trong một cuộc họp báo tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Carlos P. Garcia tuyên bố nhóm đảo phía Đông của Trường Sa trong đó có đảo Ba Bình và đảo Trường Sa là thuộc về Philippines.
Từ năm 1971 đến 1973, lợi dụng cơ hội Việt Nam đang tập trung vào nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, Philippines đã cho quân chiếm trái phép năm đảo ở phía Bắc và phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông mà họ gọi là: Lawak, Patag, Kota, Pagasa và Parola.
Ngày 10 tháng 7 năm 1971, trong một cuộc họp báo tại Manila, Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos đã tố cáo quân đội Đài Loan xâm chiếm đảo Ba Bình và nổ súng vào tàu của Philippines đến gần đảo, đồng thời yêu cầu Đài Loan rút quân khỏi đảo Ba Bình.
Ngày 5 tháng 2 năm 1974, Philippines phản đối Việt Nam Cộng hòa đưa quân ra năm đảo thuộc Trường Sa. Qua Đại sứ của mình tại Manila, Chính quyền Sài Gòn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Từ năm 1977 đến năm 1978, Philippines cho quân chiếm đóng trái phép thêm hai đảo nữa là đảo Dừa (Bến Lạc) và cồn san hô Lan Can mà họ gọi là Likas và Panata, nâng tổng số đảo họ chiếm lên bảy đảo. Philippines ra sức củng cố vị trí của mình tại bảy hòn đảo này bằng cách chở đất ra để trồng dừa, cạp thêm đảo để làm đường băng cho máy bay chiến đấu, tổ chức đánh cá, xây dựng kho ướp lạnh, tổ chức thăm dò khai thác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa.
Tháng 9 năm 1977, trong chuyến viếng thăm Philippines, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã đồng ý với Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos, rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng thương lượng hòa bình.
Ngày 11 tháng 6 năm 1978, Tổng thống Philippines ký Sắc lệnh số 1596 xác định toàn bộ quần đảo Trường Sa gồm 60 đảo, bãi đá ngầm (trừ đảo Trường Sa) là thuộc lãnh thổ Philippines và đặt tên hành chính là Kalayaan, nằm trong tỉnh Palawan.
Với sắc lệnh này, Philippines đã hủy bỏ đường biên giới phía Tây của Philippines đã được xác định rõ ràng trong Hiệp ước Paris năm 1898. Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ việc Philippines sáp nhập hầu hết quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Philippines.
Tháng 7 năm 1980, quân đội Philippines mở cuộc hành quân Polaris-I chiếm đóng thêm một đảo ở phía Nam là đảo Công Đo (Commodore Reef) mà họ gọi là đảo Rizal nằm cách hòn đảo gần nhất mà họ chiếm đóng trái phép trước đây 150 hải lý. Ngày 26 tháng 7 và 11 tháng 8 năm 1980, Chính phủ Việt Nam gửi công hàm phản đối hành động nói trên của Philippines.
Tháng 4 năm 1982, Thủ tướng Philippines là Virata và một số quan chức cao cấp ra các đảo mà họ chiếm đóng và tuyên bố: “Do những hành động vừa qua, chúng ta có thể tiến một cách hòa bình tới vùng lãnh hải rộng lớn chung quanh Philippines để xác định những tài nguyên thiên nhiên có thể có ở đáy biển, nhằm phục vụ cuộc phát triển đất nước của chúng ta”.
Ngày 21 tháng 5 năm 1984, Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines được kí kết nhưng không xem quần đảo Kalayaan (Trường Sa) là bộ phận lãnh thổ Philippines.
Ngày 10 tháng 11 năm 1987, Ngoại trưởng Philippines là Manglapus đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Bộ Ngoại giao Philippines đang chuẩn bị một dự luật về vạch các đường biên giới của Philippines, trong đó có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Cuối tháng 11 năm 1987, dự luật quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Philippines được đưa ra thảo luận tại Thượng Nghị viện. Theo dự luật này, hệ thống đường cơ sở đi qua tất cả các hòn đảo thuộc phạm vi quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa). Với dự luật này, Philippines định lợi dụng quy chế quốc gia quần đảo trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để củng cố cái gọi là “cơ sở pháp lý” mà họ đã đặt ra, bất chấp thực tế lịch sử và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, Quốc hội Philippines đã không thông qua dự luật này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không thống nhất đường lối đối ngoại.
Ngày 17 tháng 9 năm 1993, bà Ramos Shahani, Phó Chủ tịch Thượng Nghị viện đề nghị một dự luật thay đổi sắc lệnh của Tổng thống Marcos năm 1979.
Ngày 17/2/2009, Thượng viện Philippines đã thông qua một dự luật liệt kê những khu vực thuộc chủ quyền của Manila tại vùng quần đảo Trường Sa.
Dự luật đường cơ sở mà các Thượng nghị sĩ Philippines thông qua xác định ranh giới trên biển của của nước này, bên trong có bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Trung Quốc, cũng như một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.Tuy vậy dự luật của Thượng viện Philippines cũng đã công nhận tình hình một số địa điểm đang có tranh chấp với các nước trong khu vực.
Chủ tịch Thượng viện Philippines, ông Juan Ponce Enrile, giải thích là các thượng nghị sĩ và dân biểu đều đã tán đồng dự luật, trong đó xác định rõ “chế độ các đảo thuộc Cộng hòa Philippines”. Câu này liên quan đên những vùng nằm dưới chủ quyền và luật pháp Philippines, bao gồm nhóm đảo Kalayaan và Scarborough (Kalayaan là môt nhóm 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa nơi mà Philippine khẳng định thuộc chủ quyền của họ và chiếm đóng trái phép).
Tóm tắt những sự kiện trên đây, chúng ta thấy rõ lập luận của Philippines là không nhất quán:
- Năm 1949, Tổng thống Philippines cho rằng quần đảo Trường Sa nên thuộc về Philippines vì về phương diện địa lý, quần đảo này kề cận với Philippines.
- Năm 1956, Philippines lại lập luận rằng hầu hết các đảo, đá, cồn, bãi trong quần đảo Trường Sa là vô chủ, chỉ có bảy đảo là thuộc quyền giám hộ của quân Đồng minh.
- Năm 1979, sắc lệnh của Tổng thống Philippines lại giải thích là quần đảo Trường Sa nằm trên thềm lục địa của Philippines.
- Năm 2008, Philippines lại viện dẫn Hiệp ước Hòa bình Paris năm 1898 một cách lập lờ.
- Năm 2009, Philippines thông qua luật đường cơ sở vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Philippines không có một chứng cứ lịch sử hay cơ sở pháp lý nào để đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và hành động xâm chiếm tám hòn đảo là xâm phạm trái phép đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Cái gọi là: "Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam chưa bao giờ thách thức quyền và các hoạt động của Philippine ở Reed Bank" mà Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu đã nói thì là đây:
Trước năm 1975, Chính quyền Sài Gòn đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và từ sau năm 1975, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cũng đã liên tục tái khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo này.
Gần đây nhất, trước việc Quốc hội Philippines đã thông qua Dự luật đường cơ sở của Philippines vào ngày 17/2/2009, trong đó đưa một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scabourough vào quản lý theo quy chế đảo của Philippines, ngày 19/2/2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng, tuyên bố:
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý.  Chúng tôi cho rằng trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực".
Đi xa hơn nữa, khi trao đổi với các thành viên của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa, Dương Danh Huy lại khẳng định:
"Nếu tự đặt mình vào vị trí khách quan (eg không phải VN hay TQ hay Phi) thì sẽ thấy nếu VN đòi Bãi Cỏ Rong thì sẽ là tham lam tương tự như Trung Quốc đòi Bãi Tư Chính. Thậm chí, Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) còn nằm ngoài vòng trung tuyến nhiều hơn Bãi Tư Chính (Vanguard Bank). Thế giới sẽ cho VN là hủi, chính xác là tiểu hủi.
Nếu VN cũng đòi một cái lưỡi bò liếm ngang thì điều đó chỉ tổ bêu xấu chính mình và đánh bóng cho cái lưỡi bò liếm dọc của Trung Quốc. Thế giới sẽ nghĩ "Cái lưỡi bò của TQ cũng đâu có tệ hơn cái lưỡi bò của VN đâu”.
Không những thế, việc TQ đòi cái lưỡi bò liếm dọc chỉ có tham chứ không có dại (vì họ mạnh). Nếu VN mình cũng đòi cái lưỡi bò liếm ngang thì là vừa tham, vừa dại…" (3)
Có lẽ các anh muốn đánh đồng nước có chủ quyền xưa nay là Việt Nam – đã và đang bị xâm lấn lãnh hải và biển đảo của mình – với nước tham lam, bành trướng theo chủ nghĩa đại Hán rồi lập luận tiếp là phải thừa nhận chủ quyền của Philippines để chứng minh là mình (Việt Nam) không phải là “tiểu hủi” ư? Xin thưa với hai anh Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu, với lối lý sự cùn (xin lỗi) như đã nêu trên tôi chỉ có thể nói rằng: "Các anh chỉ là những đứa con nít sống lâu năm” hay là các người có ý đồ nào khác khi đứng ra phân bua (hay phân chia) chủ quyền trên biển Đông theo chủ trương của những người lãnh đạo Philippines?
Thiết nghĩ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam nên sớm thông qua Luật Biển của Việt Nam để khẳng định quan điểm và chủ trương nhất quán về vấn đề chủ quyền biển đảo, tránh những sự ngộ nhận và  giải thích tùy tiện bằng những kiến thức hạn hẹp, vô trách nhiệm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Đ. K. P.


Chú thích:

Xem bản dịch tại đây:
(2) A Treaty of Peace Between the United States and Spain, U.S. Congress, 55th Cong., 3d sess., Senate Doc. No. 62, Part 1 (Washington: Government Printing Office, 1899), 5-11.
(3) Nguồn: Hoangsa.org